Kon Tum: Huyện Đăk Glei quy hoạch vùng nguyên liệu để giữ mái nhà Rông

Nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên từ xa xưa gắn liền với các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, cồng chiêng... Trải qua thời gian, nhiều nhà Rông bị hư hại, xuống cấp, một số thôn làng sửa chữa lại nhà Rông không đúng cách, sai với thiết kế khiến hình ảnh nhà Rông trở nên xa lạ. Hiện, huyện miền núi Đăk Glei (Kon Tum) đã quy hoạch lại vùng trồng các nguyên liệu như cỏ tranh, tre, nứa, mây… vừa giúp người dân bản địa nâng cao đời sống vật chất, vừa có vật liệu để phục vụ cho xây mới, sửa chữa lại các ngôi nhà Rông bề thế của thôn làng.

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc của Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, có sáu dân tộc bản địa: Xơ Ðăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, BRâu, Rơ Măm và nhiều dân tộc khác cùng sinh sống như: Kinh, Dao, Tày, Mường, Nùng, Thái, Sán Dìu, Hoa... Kon Tum mang đậm nét truyền thống sử thi và là nơi cội nguồn của ngôi nhà Rông truyền thống.

Nhà Rông là một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí… đặc biệt là sự thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng, là linh hồn của buôn làng. Đây là nơi chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng.

nha-rong-tay-nguyen-1688378235.jpg
Nhà Rông với mái tranh ở huyện Tu Mơ Rông. (Ảnh: Báo Lao động)

Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hiện trên địa bàn có 434 nhà Rông, trong đó có 182 nhà Rông làm bằng vật liệu truyền thống, 252 nhà Rông làm bằng vật liệu bán truyền thống, vật liệu hiện đại. Chính quyền hỗ trợ xây mới 2 nhà Rông, sửa chữa 14 nhà Rông của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ghi nhận cho thấy, hiện còn nhiều nhà Rông bị hư hại, xuống cấp, một số thôn làng sửa chữa lại nhà Rông không đúng cách, sai với thiết kế khiến hình ảnh nhà Rông trở nên xa lạ, kệch cỡm. Do đó, huyện miền núi Đăk Glei (Kon Tum) đã quy hoạch lại vùng trồng các nguyên liệu như cỏ tranh, tre, nứa, mây… Vùng nguyên liệu vừa giúp người dân bản địa nâng cao đời sống vật chất vừa có vật liệu để phục vụ cho xây mới, sửa chữa lại các ngôi nhà Rông bề thế của thôn làng.

Anh Nay Luôn, người dân xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei cho biết, nhà Rông là nơi diễn ra hội họp, các buổi tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt hoạt văn hoá cộng đồng của người dân. Mỗi lần thấy mái nhà Rông, con em trong làng đều yên tâm sản xuất, gắn bó với quê hương bản quán.

nha-r-1688378482.jpg
Nhà Rông Kon So Lăl của dân tộc Bana, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)

Dưới mái nhà Rông, các giá trị văn hóa như lễ hội, nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, các sự kiện trọng đại như mừng lúa mới, cúng giọt nước, cầu mưa... được diễn ra trong không khí linh thiêng, thể hiện tinh thần lao động cần cù, truyền thống giữ làng, giữ nước của người bản địa.

Ở Kon Tum, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện việc bảo tồn, phục hồi nhà Rông truyền thống đạt hiệu quả cao, một số huyện đạt tỷ lệ 100% thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà Rông như: huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông và Kon Rẫy. Trong đó, huyện Kon Rẫy đạt tỷ lệ 100% nhà Rông làm hoàn toàn bằng nguyên vật liệu truyền thống.

Người Tây Nguyên quan niệm nhà Rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng, vì thế trong mỗi nhà Rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, nhiều khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu... người lạ không được xem những vật này, hoặc nếu muốn xem thì phải cúng rất kỹ càng.

Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của xã hội, nhà Rông Kon Tum luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng, là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng, nơi phát huy truyền thống và tín ngưỡng dân gian của người dân bản địa, trở thành biểu trưng không chỉ của tỉnh Kon Tum mà của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ánh Dương (t/h)