Quảng Nam: Phát triển cây dược liệu ở miền núi một hướng đi đúng

Điều kiện thổ nhưỡng, nền nhiệt độ thấp, độ ẩm cao... là điều kiện để các tỉnh miền núi phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều loại cây dược liệu bị khai thác bừa bãi, việc bảo tồn và phát triển cây thuốc vẫn ở dạng tự phát, công tác quản lý chưa thật sự nề nếp.
images1446222-trang7-29-1639466905.jpg
Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, Nam Trà My

Khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên các địa phương, nhất là khu vực vùng trung du và miền núi trong những năm qua là một lựa chọn đúng đắn, phù hợp với tiềm năng của vùng. Nhiều địa phương coi phát triển cây dược liệu là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và bền vững.

Các loại cây dược liệu tiềm năng trên địa bàn các tỉnh miền núi đã khẳng định được vị trí của mình trong kế hoạch phát triển kinh tế vùng. Từ nhiều năm nay, gần 30 tỷ đồng từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của các địa phương và đối ứng của người dân tại các huyện miền núi của tỉnh đã trồng được hơn 905 ha cây dược liệu; trong đó, cây ba kích tím 325 ha; sa nhân 254 ha và đẳng sâm 226 ha.

Với hơn 2.690 hộ tham gia, Quảng Nam đã xây dựng được 4 vườn bảo tồn giống cây dược liệu với diện tích 25 ha tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang và Đông Giang. Đến nay, các vườn dược liệu này đều sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, một số đã bắt đầu khai thác để cung ứng giống cho nhân dân trồng và phát triển tại địa phương. Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết: đến nay cơ bản đã xác định được vùng trồng các loại cây dược liệu phù hợp, đây là cơ sở quan trọng để khuyến khích mở rộng diện tích các loại cây này trên địa bàn tỉnh.

Với đặc tính phát triển của từng loại cây như: cây đẳng sâm thích nghi và phát triển tốt ở những vùng cao, nơi có độ cao trên 900m; cây sa nhân phát triển mạnh ở những vùng có độ ẩm cao, ven suối, có che bóng nhẹ; cây ba kích có khả năng thích nghi rộng, nhưng đòi hỏi phải có sự thâm canh, đầu tư chăm sóc và phải tưới ẩm, che bóng nhất là ở giai đoạn đầu sau khi mới trồng, bênh cạnh đó đòi hỏi phải có choái leo và dọn cỏ dại thường xuyên. Đây là cơ sở quan trọng trong việc định hướng và mở rộng diện tích phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ở giai đoạn đầu, khi mới thực hiện cơ chế, nguồn giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh còn khan hiếm nên mở rộng diện tích còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc phát triển cây dược liệu có nguồn gốc bản địa. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều công ty, đơn vị tham gia vào lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, với công suất 2 triệu cây giống/năm. Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở nuôi cấy mô để sản xuất giống cây ba kích đã làm chủ được công nghệ và kỹ thuật để sản xuất giống, đây là bước đột phá trong việc tổ chức sản xuất giống cây dược liệu trong thời gian tới.

Hiện nay, nhiều tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch các cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được bàn hành. Đây là những cơ sở quan trọng để giúp người dân chủ động về kỹ thuật trong việc trồng các loại cây dược liệu. Đồng thời, để tăng cường nhận thức cho người dân về bảo tồn, trồng và phát triển cây dược liệu, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu.

Qua đó, nâng cao được nhận thức của người dân trong việc trồng, bảo tồn, phát triển, hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn dược liệu trong tự nhiên. Bên cạnh đó, cũng nâng cao được kiến thức khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây dược liệu nói riêng, vừa gắn việc sản xuất với bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái.

Qua đánh giá sơ bộ 9 địa phương trung du, miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ và hưởng lợi từ phát triển cây dược liệu, bước đầu một số địa phương đã cho ra sản phẩm giúp đời sống người dân được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế. Một số mô hình trồng cây đẳng sâm tại huyện Nam Trà My, Tây Giang đã có hiệu quả rõ nét, thu nhập có hộ lên đến 50-70 triệu đồng/năm và nhiều sản phẩm từ cây dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP.

Hiện đã thu hút một số doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia vào chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu với nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao… như: cao đẳng sâm, mứt đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm… Từ đó, tạo tiền đề giúp nhiều địa phương xác định việc phát triển cây dược liệu là hướng đi chính để nâng cao thu nhập và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua là một lựa chọn đúng đắn, phù hợp với tiềm năng của vùng. Nhiều nơi đã coi cây dược liệu là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và bên vững.

Tỉnh Quảng Nam đang tập trung tăng cường xúc tiến, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất giống, gắn với việc sản xuất, cung ứng giống với tiêu thụ; trồng và chế biến sản phẩm dược liệu. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 331/QĐ - UBND ngày 30/1/2019 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cũng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm.../.