Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Chiều 18/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 72/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

aab4e249bae111bf48f0-1705602539.jpg

Cửa ngõ các KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: ĐĐK

Mục tiêu tổng quát, quy hoạch tỉnh Quảng Nam, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và các quy hoạch liên quan.

Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế trên nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị của toàn cầu.

Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 8%/năm; Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F; Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Phát triển các ngành quan trọng

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử. Hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistics cảng biển, sân bay, đường sắt.

Kết hợp giữa nội lực với ngoại lực, Quảng Nam phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dược liệu; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch.

Hình thành hai vùng, hai cụm động lực, ba đô thị

Theo đó, Quảng Nam sẽ đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển".

anh-3-1705602690.png

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam

Cụ thể, Vùng Đông (gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển) là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo như kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.

Ba đô thị gồm: Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Hai cụm động lực gồm: cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc, kết nối với các không gian kinh tế của Đà Nẵng, hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông;

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển. Trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I./.

Nguyễn Thuyết