Bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính lên tới 50.000 tỷ đồng. Hiện nay, việc phục hồi sản xuất nông nghiệp đang được gấp rút triển khai để đảm bảo nhu cầu thực phẩm tiêu dùng và sản lượng của các ngành hàng.
Huy động nguồn lực hỗ trợ khôi phục nông, lâm nghiệp
Để phục hồi sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã gửi văn bản hướng dẫn các địa phương cũng như hệ thống khuyến nông các tỉnh phía Bắc tập trung khắc phục bão, lũ, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đồng thời đánh giá thiệt hại để có những đề xuất khắc phục.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, hơn 200.000 ha lúa, 50.600 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hơn 61.100 ha cây ăn quả bị hư hại. Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết sau khi nước rút, các địa phương cần nhanh chóng tổ chức gieo trồng lại rau màu ngắn ngày chỉ cần từ 40-45 ngày là có thể thu hoạch để kịp thời phục vụ thị trường và những cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu tương để lấy hạt.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân triển khai sản xuất những giống đậu từ ngắn ngày, các giống ngô sinh khối, các loại rau vụ đông. Để hỗ trợ bà con, Trung tâm đã kêu gọi, huy động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ hỗ trợ người dân các giống cây trồng, đặc biệt là các giống rau, ngô, đậu tương… cũng như các loại phân bón và vật tư nông nghiệp khác.
Nằm trong chương trình vận động tái thiết sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam đang tiến hành trao tặng nhiều loại giống cây trồng, giống rau thiết thực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khung thời vụ... tới các địa phương chịu thiệt hại bởi bão và mưa lũ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã hỗ trợ 22,5 tấn giống cây trồng với trị giá khoảng 3 tỷ đồng bao gồm ngô nếp, ngô tẻ, rau ăn lá, đậu, củ cải… tại 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Không chỉ trồng trọt, ngành lâm nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng nề trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến, thương mại lâm sản tại vùng chịu ảnh hưởng. Theo Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng trồng sản xuất gần 170.000 ha bị thiệt hại, nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định bão số 3 đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành lâm nghiệp từ giống, phát triển rừng đến chế biến lâm sản không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cả chu kỳ sản xuất của lĩnh vực lâm nghiệp.
Đối với khu vực rừng bị thiệt hại, nặng (cây đổ gãy hoàn toàn) không thể phục hồi, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chỉ đạo phải khai thác tận thu và các diện tích rừng sau khi khai thác phải tiến hành trồng lại ngay; với diện tích thiệt hại nhẹ cần tiếp tục vệ sinh, thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển rừng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh yêu cầu Hiệp hội Gỗ và lâm sản vận động doanh nghiệp thu mua cây đổ, cây tận thu nhanh chóng, kịp thời, không ép giá, không gây khó khăn cho người có rừng bị thiệt hại.
Để phục vụ trồng rừng mới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị toàn ngành rà soát lại toàn bộ nguồn giống hiện có và khả năng cung cấp cây giống, nhu cầu của địa phương để cung ứng cho các chủ rừng, đảm bảo bắt đầu trồng rừng vào mùa Xuân tới.
Viện Khoa học Lâm nghiệp được giao chuẩn bị cây giống gốc, xem xét việc nhập khẩu một số hạt giống của nước ngoài đảm bảo đủ điều kiện về chất lượng. Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục hướng dẫn địa phương các biện pháp kỹ thuật về khai thác tận thu, tận dụng, vệ sinh rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy cần được ưu tiên do nguy cơ cháy rừng tăng cao sau bão.
Nhanh chóng tái thiết duy trì đà tăng trưởng chăn nuôi và thủy sản
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hơn 26.400 con gia súc và gần 3 triệu con gia cầm bị chết hoặc mất mát do bão, 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Đặc biệt, thiệt hại hư hỏng về chuồng trại, lồng bè rất lớn và khó có thể khắc phục ngay được.
Nhằm giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão, lũ vào ngày 28/9.
Chương trình hội nghị sẽ xoay quanh các nội dung như báo cáo đánh giá tổng hợp thiệt hại, giải pháp khôi phục sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; dịch bệnh gia súc, gia cầm, hỗ trợ vaccine, hóa chất sau bão lũ; kinh nghiệm khôi phục sản xuất trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… và chương trình trao hỗ trợ cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết các nội dung hội nghị với các địa phương sẽ được cụ thể hóa như ngành thú y cung cấp kiến thức, giải pháp cho người dân về khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, an toàn sinh học. Về chăn nuôi, thủy sản sẽ tập trung vào các giải pháp về giống, thức ăn, chuồng trại, lồng bè. Về khuyến nông sẽ đưa đến các mô hình phục hồi, hướng dẫn và lưu ý sản xuất sau thiên tai với bà con nông dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh với hỗ trợ về tiền, giống, vật tư mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động từ các đơn vị, cần rà soát cẩn thận, kỹ lưỡng để trao đến địa chỉ, đối tượng cụ thể với phương châm “làm chuẩn chỉ, không phong trào”.
Những thiệt hại về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ cần nhiều nguồn lực và thời gian để có thể phục hồi, do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục thống kê chi tiết các thiệt hại đồng thời tìm mọi cách triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Nghị quyết số 143/NQ-CP để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng xây dựng và đề xuất các giải pháp như hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn./.
Theo Bộ NN&PTNT, Bão số 3 và mưa lớn sau bão đã khiến 200.721 ha lúa, 50.642 ha hoa màu bị ngập úng; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do Bão số 3 gây ra ước tính lên tới 50.000 tỷ đồng.
Theo ước tính, Bão số 3 sẽ kéo tăng trưởng ngành Nông nghiệp giảm 0,33%. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát động đợt tổng huy động nguồn lực để nhanh chóng khôi phục, tái thiết sản xuất cho hai lĩnh vực quan trọng là chăn nuôi và thuỷ sản, hiện đang chiếm 50% tổng giá trị của ngành.