Cao Bằng dốc sức hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ

Sau mưa lũ kéo dài, nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ, ngập úng, mất trắng. Để khắc phục thiệt hại do thiên tai, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các huyện, thành phố tỉnh Cao Bằng đã dốc sức, giúp người dân triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.
cao-bang-dnktx2-1727370662.jpg
Sau ngập lụt, người dân xóm Nà Tẻng, thị trấn Nước Hai (Hòa An) sớm bắt tay vào cải tạo đất, trồng cây rau màu vụ Đông.

Nhìn ruộng lúa vụ Hè Thu đổ rạp, táp đi vì bùn đất và có nguy cơ bị mất trắng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, bà Hoàng Thị Hiếm, xóm Làng Can, xã Lương Can (Hà Quảng) không khỏi xót xa. Đưa tay vợt những bông lúa còn ngập sâu dưới nước, bà Hiếm nói: 100% diện tích trồng lúa của gia đình ở gần khu vực ven sông, lâu lắm rồi chưa bị ngập lụt dài ngày và thiệt hại lớn như năm nay.

Trước đây, vào mùa mưa cây trồng cũng chỉ ngập 1 - 2 ngày là nước rút, nhưng năm nay một vụ lúa ngập 2 lần và lần ngập gầy đây kéo dài tới 8 ngày. Với mực nước ngập sâu và chảy xiết đã làm xói mòn đất dẫn đến cây trơ gốc, thân bám đầy bùn đất, xác xơ. Hơn nữa lúc bị ngập úng lúa đang thời kỳ trổ bông nên sau lũ lụt cây không thể phục hồi được. Vụ này gia đình cấy hơn 4.000 m2 lúa, đến nay, phần lớn đều bị thiệt hại.

Cùng với diện tích lúa nhà bà Hiếm, xóm Làng Can cũng có trên 30 hộ dân với gần 5 ha cây trồng bị ngập úng, tập trung chính ở khu vực bờ sông, vùng trũng, điểm không có nơi thoát nước. Trong đó có hơn 2 ha nguy cơ mất trắng; số có khả năng phục hồi khoảng 30%, nhưng năng suất bị ảnh hưởng.  

Ông Triệu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lương Can (Hà Quảng) cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mưa lớn dài ngày làm gần 14 ha cây trồng của xã bị ảnh hưởng trên 70% diện tích, trong đó có gần 6 ha lúa, 4 ha ngô và hơn 4 rau màu bị thiệt hại. Trước thực trạng trên, cấp uỷ, chính quyền xã chỉ đạo đội ngũ khuyến nông, các xóm khẩn trương thống kê diện tích thiệt hại; tuyên truyền, vận động người dân tăng cường thăm đồng, tập trung khắc phục đối với diện tích bị ảnh hưởng nhẹ như dựng cây lúa bị đổ rạp, tiêu úng, khơi thông dòng chảy không để ngập kéo dài; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời; ngừng bón phân đạm.

Sau khi thời tiết tạnh ráo, bón bổ sung phân kali để tăng khả năng chống đổ, giúp cây lúa nhanh phục hồi và thúc đẩy lúa trỗ thoát. Bên cạnh đó, đối với diện tích bị mất trắng, xã, tuyên truyền truyền, vận động bà con tích cực cải tạo đất trồng, trồng sớm các cây rau màu vụ đông thay thế.

Vụ Hè Thu năm 2024, huyện Hà Quảng gieo cấy hơn 2.565 ha lúa, trồng 782,5 ha ngô, 704,2 ha cây lạc, 592 ha đỗ tương, 35,2 ha ớt, 183 ha gừng… Bà Đường Thị Huệ, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết: Qua thống kê, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện có gần 400 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, trong đó nhiều diện tích có khả năng mất trắng, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực cho địa phương. Hiện nay, cùng với công tác thống kê thiệt hại, Phòng đang tích cực tham mưu cho UBND huyện triển khai các biện pháp khắc phục và áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất nông nghiệp theo quy định. Đối với diện bị thiệt hại không có khả năng khắc phục, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị đất chuyển đổi sang trồng các cây phù hợp.

Cùng với huyện Hà Quảng, Hòa An là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, song, do nằm ở khu vực trũng thấp nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt khi có mưa bão lớn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra nhiều đợt mưa lớn, 2 đợt ngập úng nghiêm trọng làm 139 ha lúa, 175 ha ngô, 21 ha rau màu, 5,54 ha dong giềng; 4,4 ha nuôi cá truyền thống, lồng cá, lồng bè… bị cuốn trôi.

cao-bang-dnktx-1727370783.jpg
Nông dân Hà Quảng ra đồng khắc phục ruộng lúa bị gãy đổ.

Gia đình chị Nông Thị Thường, xóm Nà Tẻng, thị trấn Nước Hai chuyên trồng các cây rau màu, do ảnh hưởng của thiên tai, từ đầu năm đến nay, chị đã xuống giống 2 lần nhưng đều bị mất trắng. Chị Thường cho biết: Với 700 m2 đất canh tác, trung bình gia đình thâm canh 3 - 4 vụ rau màu/năm, chủ yếu là cải bắp, su hào, đậu đỗ, mướp, cây gia vị. Nhưng năm nay, cứ trồng xuống lại hỏng, không những không được thu hoạch mà đất còn bị rửa trôi, bạc màu khiến cho gia đình mất nhiều công sức cải tạo đất. 

Theo thống kê của ngành NN&PTNT, do hoàn lưu cơn bão số 3, toàn tỉnh có 2.000 ha cây trồng bị ngập úng, dập nát, hư hỏng. Trong đó có 900 ha lúa, 1.133 ha hoa màu bị gãy đổ. Các địa phương bị thiệt hại nặng, gồm: Bảo Lạc 292 ha, Bảo Lâm 112 ha, Nguyên Bình 196 ha, Hòa An 176 ha, Quảng Hòa 270 ha, Thạch An 120, Thành phố 381 ha... Phần lớn diện tích bị ngâm nước trong thời gian dài ngày, nhất là đối với diện tích lúa và hoa màu khu vực vùng trũng, ven các sông suối nơi không có điểm thoát nước. Do bị ngập úng trong thời kỳ lúa đang trổ bông, ngô ra bắp non, vì vậy, nhiều diện tích bị đổ rạp, thối gốc, héo úa, không có khả năng phục hồi, gây mất mùa.

Trước ảnh hưởng của mưa lũ, ngành NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại tại các địa bàn trọng điểm. Đề nghị các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân tăng cường làm vệ sinh đồng ruộng, chú ý tiêu thoát nước. Đối với diện tích bị ảnh hưởng nhẹ, đoàn hướng dẫn người dân cách thức chăm sóc, tăng cường bón phân, giúp cây trồng sớm phục hồi. Riêng đối với diện tích trồng hoa màu bị ảnh hưởng, đề nghị người dân khẩn trương làm đất, chuẩn bị hạt giống trồng lại, ưu tiên trồng những loại rau ăn lá, củ quả ngắn ngày, cây gia vị, cây ưa nước để sớm có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cây, con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Có chính sách hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi sản xuất. 

Theo bà Đoàn Thị Thuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi (Sở NN&PTNT) cho biết: Để khắc phục hậu quả do thiên tai và bù đắp sản lượng bị thiệt hại, đối với lúa, hoa màu, người dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch ngay lúa mùa sớm. Còn lúa giai đoạn làm đòng chuẩn bị trỗ bông bị ngập có thể khôi phục được cần tập trung khoanh vùng, tiêu úng nhanh, khơi thông dòng chảy, sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh ở những khu vực nếu có điều kiện thực hiện bảo đảm không để lúa bị ngập lâu trong thời gian dài./.

Tuấn Trần