Phú Quốc hành trình 20 năm tăng trưởng vượt bậc khẳng định tầm vóc 'thành phố đảo'

Phú Quốc sau 20 năm chuyển mình từ một huyện đảo hoang sơ đã nâng tầm trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại sôi động, hấp dẫn. Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004. "Thành phố đảo" luôn là điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Sáng 31/3, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

20-nam-phat-trien-phu-quoc-04-1711854258.jpg
Qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của "thành phố đảo" đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa)

Hội nghị do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức. Cùng tham dự Hội nghị có Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Phú Quốc 20 năm tăng trưởng vượt bậc

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của "thành phố đảo" đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách chung của tỉnh, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2020 chiếm 51,6% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và góp 5,4% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 0,35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đến năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

Từ một địa phương "không có dự án đầu tư nào" thì đến năm 2023, đã thu hút 321 dự án đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.111 ha.

20-nam-phat-trien-phu-quoc-01-1711854320.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. (Ảnh VGP)

Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so năm 2004.

Thành tựu nổi bật là về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 thu hút chỉ có trên 130 nghìn lượt khách du lịch, thì đến năm 2020 đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 27 lần so với năm 2004, và vượt gần 17% so với mục tiêu tại Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, trong đó khách quốc tế trên 160 nghìn lượt, chiếm 4,2% cả nước (năm 2020 cả nước đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế).

Cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần năm 2004; trong đó khách quốc tế trên 560 nghìn lượt, chiếm 4,48% cả nước (năm 2023 cả nước đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế).

Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2023, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel+Leisure vinh danh đảo Phú Quốc là "Một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam"....

Đến nay, hệ thống hạ tầng của Phú Quốc cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia. Cùng năm, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên; đến nay đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay, các đường bay quốc tế đã kết nối đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo đúng mức, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy; thu nhập và đời sống của nhân dân liên tục được cải thiện. Nếu như năm 2004 chỉ có 2 trường mẫu giáo và 24 trường phổ thông thì hiện nay, trên địa bàn thành phố có 106 trường học các cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm, sự nghiệp y tế được tăng cường cả về số lượng cán bộ y tế và cơ sở vật chất.

Phú Quốc cần hướng tới phát triển nhanh, bền vững, sinh thái

Trước đó vào chiều 30/3, sau khi khảo sát tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc về tình hình phát triển thành phố và giải quyết các đề xuất để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh Phú Quốc có vị trí chiến lược, nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về phát triển dịch vụ, du lịch so với nhiều địa phương khác. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều nghị quyết, quyết định, quy hoạch để phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững, trở thành trung tâm du lịch hiện đại, trung tâm văn hoá, dịch vụ, logistics, phát triển kinh tế biển, phát triển công nghiệp văn hoá; đồng thời yêu cầu có các chính sách huy động nguồn lực để phát triển Phú Quốc theo mục tiêu đề ra, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước.

Nghị quyết 78/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

20-nam-phat-trien-phu-quoc-02-1711854353.jpg
Thủ tướng tham quan các sản phẩm nổi tiếng của Phú Quốc được trưng bày bên lề Hội nghị. (Ảnh VGP)

Theo Thủ tướng, việc phát triển du lịch Phú Quốc sẽ góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới; phát triển du lịch Phú Quốc theo hướng xanh, bền vững, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà thành phố Phú Quốc đã đạt được; đồng thời chỉ rõ, Phú Quốc phải giải bài toán phát triển "nóng", chưa thực sự bền vững và chưa dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường…

Nhấn mạnh cần xây dựng thành phố đảo Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, sinh thái, trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại, phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp văn hoá mang tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy hoạch đã được phê duyệt để có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả, bám sát, khai thác và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Cần huy động và khơi thông mọi nguồn lực phát triển, lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa, hiệu quả với nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị hiện đại…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên; kết hợp giữa nguồn lực Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay, vốn tài trợ và nguồn vốn xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư. Quy hoạch lâu dài, chiến lược còn thực hiện có thể phân kỳ, phù hợp điều kiện nguồn lực; với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".

Cùng với đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại về: Giao thông (đường bộ, hàng không, cảng biển); hạ tầng xã hội, đô thị (điện, nước, xử lý rác thải, nước thải); hạ tầng du lịch; hạ tầng văn hóa; hạ tầng giáo dục – đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng nghề; hạ tầng y tế; hạ tầng chuyển đổi số, công nghệ thông tin; hạ tầng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

20-nam-phat-trien-phu-quoc-03-1711854393.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc vào chiều 30/3. (Ảnh VGP)

Chú trọng thực hiện đột phá đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nhân lực cho nhu cầu phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…; có chính sách phù hợp, khuyến khích, đa dạng hóa các loại hình đào tạo (hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác với doanh nghiệp đặt hàng…).

Tập trung xây dựng hệ thống y tế hiện đại để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân và du khách, nhất là với những trường hợp khẩn cấp. Làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sinh thái trên cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và nâng cao ý thức người dân; chú trọng công tác bảo vệ rừng, sinh thái biển để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng, bản sắc của Phú Quốc và Kiên Giang; kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, khuyến khích cho các hoạt động để phát triển xanh, bền vững như phát triển công nghiệp văn hóa, tổ chức các hội nghị lớn để quảng bá Phú Quốc với bạn bè quốc tế…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị của người dân và doanh nghiệp để giải quyết trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới đất đai; thực hiện nghiêm quy hoạch được duyệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm; tránh tình trạng manh mún.

Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, bảo đảm an sinh xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm sự bình yên cho người dân và du khách, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần./.

Bình Nguyên