Tại tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2023 là "điểm hẹn" của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và lựa chọn giải pháp tối ưu xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp vươn tầm quốc tế. Theo các chuyên gia, để tiếp tục tăng trưởng thương hiệu quốc gia, các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam phải gắn với sự phát triển xanh. Đây là xu thế chung khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến hàng hóa, dịch vụ bảo vệ môi trường, có ích với cộng đồng.
Mặt khác, kinh tế xanh, tuần hoàn, tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường đang trở thành xu hướng toàn cầu, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng và chuyển đổi sang sản xuất xanh, thương mại xanh để tiếp tục gia tăng giá trị thương hiệu.
Hiện nay, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho rằng, thương hiệu xanh mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Để giải bài toán thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, nguyên, vật liệu thân thiện môi trường, và phải có trách nhiệm với xã hội…
Chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, bảo vệ môi trường đã giúp Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp bảo đảm tăng trưởng xanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lọc hút, quan trắc khí thải có công nghệ hàng đầu, từ đó kiểm soát tốt các loại chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất. Từng cán bộ, công nhân đều ý thức bảo vệ môi trường là tiết kiệm cho doanh nghiệp và bản thân.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Điều phối Dự án phát triển bền vững Tập đoàn TH cho rằng: "Chiến lược xanh chắc chắn sẽ là một chiến lược kinh doanh bài bản mà các doanh nghiệp cần có sự nỗ lực, cam kết theo đuổi. Xuyên suốt trong tất cả các hoạt động kinh doanh của chúng tôi từ những ngày đầu thành lập, thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh đã nằm trong chiến lược của chúng tôi ngay từ giây phút đầu tiên".
Sau đại dịch, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có thay đổi lớn, người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn “xanh” “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: "Chúng ta phải thay đổi sản phẩm nhưng mà phải tính đến yếu tố công nghệ, tính đến yếu tố xanh. Như vậy, không chỉ là thay đổi quản trị mà lại thay đổi sản phẩm. Tôi phải nói hiện nay, nếu khái niệm về sản phẩm phải có 3 yếu tố thì mới gọi là sản phẩm hoàn chỉnh.
Một sản phẩm như chúng ta vẫn làm là sản xuất ra cung ứng, chất lượng truyền thống nhưng hiện nay, đòi hỏi thêm là tương tác tức thời tới thị trường, tới khách hàng, điều này thì công nghệ số hoàn toàn có thể cho phép chúng ta làm. Thứ hai gắn với bắt nhịp xu thế xanh này, tức là những giải pháp kèm theo sản phẩm của mình, những đặc tính, những giải pháp ấy để cho người tiêu dùng tin rằng, cảm nhận được và khi người ta dùng thì đúng như thế.
Tất cả có xu hướng mới mà chúng tôi nói xu hướng mới, người ta hay nói một chữ xanh, nói đầy đủ là xanh, an toàn, nhân văn và nếu các tầng lớp trung lưu, lớp trẻ, người ta lại còn đòi hỏi một chút là cá tính hóa".
Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Để các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh, thúc đẩy nền kinh tế xanh, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho rằng, rất cần sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc phổ biến các chính sách, chương trình và tạo ra các kênh pháp lý để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu doanh nghiệp xanh và thương hiệu quốc gia xanh./.