Trên đây là một trong những nội dung được chú ý tại phiên thảo luận chủ đề 1 “Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững” trong chương trình Diễn đàn Nghị viện về Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ.
Phát triển nông nghiệp bền vững là rất cấp thiết
Là đất nước phát triển từ nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hình thức thiên tai cực đoan, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nông dân.
Vượt lên những khó khăn, thách thức từ thiên tai, thị trường, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng định hướng chính sách và triển khai thực hành nông nghiệp bền vững, giảm phát thải bảo vệ môi trường.
Bằng những hành động cụ thể, năm 2024 ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3,3%, xuất khẩu nông sản đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 62,5 tỷ USD và thặng dư thương mại toàn ngành đạt 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm 2023 và chiếm đến 71,6% xuất siêu cả nước.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, việc phát triển nông nghiệp bền vững là rất cấp thiết.
Đặc biệt, đối với ngành hàng lúa gạo, Việt Nam đã xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030. Đề án tập trung hỗ trợ người sản xuất lúa thay đổi tập quán sản xuất, từ tập quán sản xuất truyền thống sang quy trình canh tác mới. Quy trình này sẽ giảm chi phí đầu vào (giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học, nước, công lao động, thất thoát sau thu hoạch, khí hiệu ứng nhà kính) và quản lý chất thải nông nghiệp.
Với nhiều thế mạnh và kinh nghiệm hiện có, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam có thể chia sẻ với các nước châu Phi và các quốc gia đang phát triển khác về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu...
4 chương trình hành động chung tay giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu
Thông qua diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng Pháp ngữ cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phát triển nông nghiệp để cùng giải quyết các thách thức của toàn cầu như câu nói “Một mình, chúng ta đi nhanh. Nhưng cùng nhau, chúng ta đi xa”.
Để tạo nên một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và chung tay giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động.
Thứ nhất, khuyến khích tất cả các thành viên Pháp ngữ, các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân liên quan, tăng cường hợp tác trong việc xây dựng và thực hiện dự án và chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững.
Thứ hai, kêu gọi các tổ chức quốc tế, khu vực, các thiết chế tài chính quốc tế, các nước phát triển tăng cường cung cấp tài chính, nguồn lực nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, phấn đấu vì một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu thông qua việc áp dụng các công nghệ canh tác phù hợp và các thực hành quản lý nguồn tài nguyên bền vững.
Thứ tư, thúc đẩy các thực hành canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; khuyến khích các quốc gia thành viên Pháp ngữ sử dụng công nghệ tiên tiến phát thải thấp và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện khả năng chống chịu thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; huy động chuyên gia tư vấn chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp; thiết kế và quản lý dự án cho các chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp./.