Phát triển kinh tế xanh - yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, những sản phẩm sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường được quan tâm nhiều hơn. Do đó, phát triển nền kinh tế xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư.

Năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước, thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Trong đó, có rất nhiều dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn quy mô hàng tỷ USD của những tập đoàn hàng đầu thế giới, như Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư tại Hải Phòng tăng vốn 2 lần với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 2,15 tỷ USD; Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD…

Tháng đầu tiên của năm 2022, thu hút FDI vào Việt Nam tiếp tục khởi sắc khi thu hút được 2,1 tỷ USD vốn của dự án FDI đăng ký mới, dự án tăng thêm và dự án góp vốn, mua cổ phần; tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, vốn tăng thêm của các dự án điều chỉnh đạt 1,27 tỷ USD, tăng gấp 2,69 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2022, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Sau 2 năm bị hạn chế di chuyển, hoạt động đầu tư do dịch Covid-19, cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều dự án lớn được cấp phép. Dự báo, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

163c6db852f40afb4a02fecb3b3ea84f-1649205094.jpg
Thu hút FDI vào Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Ảnh minh họa

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh có lãi tại Việt Nam trong năm 2021 là 54,3%, cao hơn so với kết quả của năm 2020 với khoảng 50%; 56,2% doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, lợi nhuận năm 2022 sẽ cải thiện so với năm trước; 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 1-2 năm tới, tăng 8,5 điểm so với năm 2021… với những kết quả trên, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội - cho rằng: Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn trong giai đoạn tới.

Đầu tư chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ xanh

Một cơ hội nữa giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đó là, Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 15,4 tỷ USD để phục hồi kinh tế, đây được đánh giá là "nền móng" giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt hơn trong tương lai, tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.

Mặc dù có những cơ hội tích cực, song theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), để tăng trưởng kinh tế và thu hút được dòng vốn FDI bền vững, hiệu quả, Việt Nam nên chú trọng đầu tư chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp quản lý tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, theo bà Carolyn Turk, việc chuyển hướng sang phát triển xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những tuyên bố khá tham vọng tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Đây là cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu, giúp Việt Nam cải thiện tăng trưởng, cải thiện thu hút đầu tư, bởi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang ngày càng lo ngại về vấn đề xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam”, bà Carolyn cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính ở những nước sản xuất. Theo đó, những sản phẩm may mặc, thiết bị điện, thực phẩm sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm nhiều hơn. Do đó, phát triển nền kinh tế xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư.

Giải pháp tăng sức hấp dẫn trong "cuộc đua giành FDI"

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp FDI, nước ta cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính,…

Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gẫy về nguồn lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Anh Vân (t/h)