Kinh tế xanh là gì? Thực trạng kinh tế xanh tại Việt Nam

Phát triển nên kinh tế xanh đang là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Vậy kinh tế xanh là gì? Và thực trạng nền kinh tế xanh tại Việt Nam hiện tại ra sao?

Kinh tế xanh là gì?

Kinh tế xanh (Greeen Economic) là khái niệm đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế trên thế giới. Đây là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên hiệp quốc – 2010).

Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế – xã hội – môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa đó là những hoạt động (trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa); đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng).

3 yếu tố này được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Kinh tế xanh là một nền kinh tế cần thiết bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

mo-hinh-doanh-nghiep-ben-vung-dang-tro-thanh-xu-huong-nhung-nam-gan-day-1648695975.jpg
Kinh tế xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, khái niệm “nền kinh tế xanh” cần được xem xét trong mối liên hệ với các khái niệm lâu đời hơn và rộng hơn của thuật ngữ “phát triển bền vững”, gồm khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, các nguyên tắc phân bổ công bằng nguồn lực kinh tế. Martin Khor ghi nhận một số vấn đề và rủi ro trong việc sử dụng khái niệm này tại các nước đang phát triển.

Cụ thể, ông nhấn mạnh sự cần thiết xác định sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế và môi trường có thể phát sinh ở từng bước phát triển kinh tế. Chuyên gia Martin Khor lưu ý tầm quan trọng việc kết hợp thuật ngữ “kinh tế xanh” của Chương trình nghị sự thế kỉ 21 và các nguyên tắc Rio đã thống nhất tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED) năm 1992, đặc biệt là nguyên tắc về trách nhiệm của các nước có liên quan.

Martin Khor cũng xác định rủi ro của việc sử dụng sai khái niệm nền kinh tế xanh. Thứ nhất, nó được dùng như một mô hình sinh thái thuần tuý. Thứ hai, các nước sẽ áp dụng biện pháp giống nhau mà không tính đến đặc thù của mỗi quốc gia. Ngoài ra, còn có rủi ro liên quan đến chế độ thương mại.

Đối với việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cần có một cuộc cách mạng công nghệ. Phần lớn các sản phẩm công nghệ được sản xuất tại các nước phát triển. Bởi vậy, các nước đang phát triển rất chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế, sinh thái và xã hội.

Đặc điểm và nguyên tắc của nền kinh tế xanh là gì?

Đặc điểm của kinh tế xanh

Các định chế quốc tế khác nhau đã đưa ra các đặc điểm và bản chất khác nhau của nền kinh tế xanh. Một số đặc điểm chung là:

Nền kinh tế xanh tạo điều kiện phát triển bền vững

Kinh tế xanh là tài nguyên và năng lượng tiết kiệm 

Nền kinh tế này tạo ra công ăn việc làm xanh.

Kinh tế xanh tôn trọng các ranh giới hành tinh, các giới hạn sinh thái hoặc sự khan hiếm.

Nền kinh tế này đo lường sự tiến bộ kinh tế ngoài GDP bằng cách sử dụng các chỉ số / thước đo thích hợp.

Nền kinh tế xanh mang lại sự bình đẳng, công bằng và chính đáng - giữa và trong các quốc gia và giữa các thế hệ.

Kinh tế xanh bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Nền kinh tế này mang lại hiệu quả giảm nghèo, nâng cao đời sống, sinh kế, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Nền kinh tế xanh giúp cải thiện khả năng quản trị và nhà nước pháp quyền. Bao gồm: Dân chủ; có sự tham gia của cộng đồng; chịu trách nhiệm; ổn định.

tang-truong-xanh1-1648696289.jpg
Kinh tế xanh là xu thế phát triển tất yếu

Các nguyên tắc của nền kinh tế xanh

Nền kinh tế xanh là một nền kinh tế mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của hành tinh. Nó dựa trên năm nguyên tắc:

Phúc lợi: Nền kinh tế xanh phải tạo ra phúc lợi chân chính, bền vững, được chia sẻ, vượt ra ngoài sự giàu có đơn thuần về tiền tệ để ưu tiên phát triển con người, sức khỏe, hạnh phúc, giáo dục và cộng đồng.
Công bằng: Nền kinh tế xanh nhấn mạnh công bằng, bình đẳng, gắn kết cộng đồng và hỗ trợ quyền con người - đặc biệt là quyền của người thiểu số và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nó tìm kiếm một sự chuyển đổi chính đáng và phục vụ lợi ích của tất cả các công dân, bao gồm cả những người chưa được sinh ra.

Ranh giới hành tinh: Nền kinh tế xanh thừa nhận rằng tất cả sự phát triển của con người đều phụ thuộc vào một thế giới tự nhiên lành mạnh. Nó bảo vệ giá trị nội tại của tự nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học, đất, nước, không khí và các thủ phủ hệ sinh thái khác.

Hiệu quả và đầy đủ: Nền kinh tế xanh là nền kinh tế ít các-bon, đa dạng và tuần hoàn. Nó thừa nhận rằng các ranh giới hành tinh đặt ra các giới hạn thực tế đối với tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh các động lực kinh tế với chi phí thực sự cho xã hội.

Quản trị tốt: Nền kinh tế xanh xây dựng các thể chế kết hợp trách nhiệm giải trình dân chủ năng động với cơ sở vững chắc về khoa học tự nhiên và xã hội và kiến thức địa phương. Đời sống dân sự ưu tiên sự tham gia của cộng đồng, sự đồng ý, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nền kinh tế xanh là một sự thay đổi mang tính toàn cầu và mang tính chuyển đổi đối với hiện trạng toàn cầu, đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong các ưu tiên của chính phủ để đặt các ưu tiên về xã hội và môi trường lên trên các ưu tiên tài chính. Nhận ra sự thay đổi này không phải là dễ, nhưng nó là cần thiết. Nếu không có nó, tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ là chắp vá và không nhất quán, đồng thời các thách thức về kinh tế, môi trường, khí hậu và xã hội sẽ tiếp tục gia tăng.

Kinh tế xanh tại Việt Nam – phát triển bền vững nền kinh tế trong biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, nghề từ nông nghiệp, công nghiệp, nông, lâm – thủy sản, đến một số lĩnh vực lao động và xã hội của nước ta. Làm giảm đi nguồn sinh kế của người dân, gia tăng đói, nghèo. Việt Nam không thể mãi dựa vào các khoản viện trợ, các gói vay từ quốc tế nếu muốn phát triển đất nước bền vững. Bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu thì tình hình dịch bệnh (cúm gia cầm, Covid-19…) đã tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, chỉ có phát triển xanh, tăng trưởng xanh mới là lựa chọn đúng đắn và lâu dài. Việc học tập kinh nghiệm các nước đã thành công về kinh tế xanh kết hợp với linh hoạt trong xây dựng chính sách phát triển cơ cấu ngành, nghề và điều chỉnh sao cho phù hợp với chính trị, xã hội, vị trí địa lý và nền văn hóa của nước ta.

kinhtexanh-1648695975.jpg
Ảnh minh họa

Một số giải pháp được đề ra như sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế. Khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ cần có chiến lược để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh bằng cách xây dựng hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực, có những chế tài đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Xây dựng những luật, quy định thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hướng phát triển xanh, kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường. Tài nguyên và nguồn lực của quốc gia phải được giao tới những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực sử dụng nguồn lực mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội và hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh.

Thứ hai, kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cần được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Kiên quyết không cho các tập đoàn, tổ chức nước ngoài có xu hướng gây hại đến môi trường được phép đầu tư kinh doanh, xây dựng, sản xuất.

Thứ ba, tiêu dùng xanh là xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây tại Việt Nam. Người tiêu dùng nước ta đã có những nhận thức và ưu tiên nhất định trong việc sử dụng sản phẩm xanh. (Ví dụ: sử dụng sản phẩm eco, organic, dùng túi đi chợ bằng vải, hạn chế dùng túi nilon, sản phẩm gia dụng thân thiện môi trường…). Đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, do vậy, việc sản xuất sản phẩm xanh trong môi trường xanh cần được dịch chuyển ngay từ bây giờ chính là hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh.

Thứ tư, Việt Nam cần học tập mô hình “chi tiêu công xanh” của Nam Phi để phát triển kinh tế xanh của đất nước. Mô hình này cho phép các sản phẩm xanh và hoạt động đầu tư xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Thông qua hoạt động này, Chính phủ có thể thúc đẩy công nghệ xanh phát triển, thông qua khuyến khích sử dụng hàng hóa xanh ở cả khu vực công và khu vực tư nhân, qua đó giảm chi phí đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững. Chính phủ hỗ trợ các thị trường sản xuất lương thực hữu cơ, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Để có hướng đi bền vững, Chính phủ Việt Nam cần có một kế hoạch tổng thể làm cơ sở cho các ý tưởng phát triển xanh được đi vào hoạt động. Để thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế xanh được hiệu quả thì điều quan trọng là phải lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế chung cùng với việc phân bổ ngân sách cụ thể, bảo đảm có đủ nguồn lực trong thời gian dài trước khi nhận được những hiệu quả cụ thể do nền kinh tế xanh mang lại.

Làm gì để xây dựng nền kinh tế xanh?

Theo báo cáo của các chuyên gia, cần phát triển các cơ chế toàn cầu để tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển mọi lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công nghệ tại các nước đang phát triển.

Nhóm chuyên gia cho biết, một biện pháp quan trọng khác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững là mở rộng quyền tự do tiếp cận công nghệ thuộc lĩnh vực công cộng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại các nước đang phát triển. Ở các nước phát triển, cần kích thích dòng chảy công nghệ trực tiếp hoặc thông qua việc khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân.

Về xây dựng nền kinh tế xanh, cần thay đổi luật quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm việc mở rộng thực tiễn việc sử dụng giấy phép, tăng cường tiêu chuẩn bằng sáng chế, hạn chế thời gian bảo hộ sáng chế, cho phép các nhà sáng chế sử dụng kiến thức đã được cấp bằng sáng chế để phát minh ra cái mới.

Việc chuyển đổi sang “nền kinh tế xanh” chắc chắn sẽ gây ra sự thay đổi trong cơ cấu thương mại. Do đó, điều này sẽ đem lại những lợi ích kinh tế tiềm năng cho các nước đang phát triển, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hoá.

Bên cạnh đó, giảm bớt hàng rào thuế quan với thiết bị và hàng hoá bảo vệ môi trường rất cần thiết cho từng bước chuyển giao sang nền kinh tế xanh. Khi đó, các nước phát triển có thể phân loại và quảng cáo hàng hoá dịch vụ môi trường ra nước ngoài.

Việc đề ra các tiêu chuẩn về môi trường cũng đóng vai trò quan trọng cho sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ví dụ, điều chỉnh thuế carbon. Các tiêu chuẩn và hạn chế dựa trên các phương pháp chế biến sản xuất có thể được sử dụng để tạo ra lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước. (ví dụ: đánh dấu thành phần carbon).

Đồng thời, cần nâng cao “tiêu chuẩn xanh” với hàng hoá xuất khẩu. Chính phủ sẽ hướng dẫn các công ty xuất khẩu đạt được những tiêu chuẩn cần thiết. Các tiêu chuẩn này là công cụ để kiểm tra và chứng nhận hàng hoá. Nâng cao tiêu chuẩn quốc gia và tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp mở rộng lượng hàng hoá ra thị trường nước ngoài, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ rất quan trọng cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các nước phát triển có thể chuyển giao kĩ thuật môi trường cho các nước đang phát triển./.

Anh Vân (t/h)