Sau Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở, chưa khuyến khích tại các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn.
Nhiều bộ và doanh nghiệp kiến nghị nên mở rộng cơ chế ưu đãi phạm vi lắp đặt như: trường học, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, trang trại, nhà kho… Bởi điện mái nhà vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất.
Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Dự thảo nêu quy định các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để sử dụng tại chỗ, tức là tự sản, tự tiêu và không mua bán được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.
Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Đây là chính sách nhằm thúc đẩy từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó, tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Trong đó, có đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, cả nước có 2.600 MW điện mái nhà tương đương với công suất của hơn hai 2 nhà máy nhiệt điện hạng trung. Trong đó, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Đánh giá về việc nhiều bộ, ngành đề nghị nên mở rộng phạm vi, không nên gói trong cơ chế chỉ khuyến khích làm điện mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp, mà nên khuyến khích lắp điện mái nhà cho các công trình khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như trường học, bệnh viện, khách sạn, khu công nghiệp, nhà xưởng, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho rằng việc tiếp cận của Bộ Công Thương tương đối an toàn.
"Những gì diễn ra trong quá trình chúng ta thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh với sự phát triển mang tính chất bùng nổ của điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, nó để lại những thành công, nhưng cũng có nhiều hệ lụy không mong muốn.
Do đó, trong nỗ lực thực hiện Quy hoạch điện VIII với thạm vọng lớn về điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương nghiên cứu đưa ra chính sách đầu tiên là tự sản, tự tiêu, tiếp theo là chỉ có hộ gia đình và các công sở. Theo tôi, đây là tiếp cận mang tính chất an toàn. Tuy vậy, đừng hiểu rằng Bộ Công Thương chỉ gói gọn trong đó, theo tôi hiểu, chúng ta cần thực hiện có lộ trình. Trước hết là chúng ta làm với các hộ gia đình, với các công sở, sau đó khi chúng ta ban hành chính sách, thực hiện thì từng bước sẽ mở rộng ra các đối tượng khác.
Hơn nữa, ở đây không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp tư sản, tự tiêu mà chúng ta phải tính đến cả những cái khía cạnh khác và không loại trừ khả năng chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng các chính sách giá FIT hợp lý", PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho biết.
Vì vậy, theo ông Hồi, đó là một cái cách tiếp cận tương đối an toàn, sau những gì xảy ra khi chúng ta thực hiện Quy hoạch điện VII bản điều chỉnh.
Điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích
Điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở được Bộ Công thương đề xuất. Trong khi đó, các nhà máy, xưởng sản xuất, bệnh viện lại không được đề xuất. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa 2 nhóm đối tượng có và không này lại có những điểm cần phải chú ý.
Quận Ba Đình, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
"Qua thống kê, chúng tôi nhận định công suất điện mặt trời là 35 KWh, tương đương sản sinh ra 160 số điện một ngày, sẽ tiết kiệm chi phí hàng tháng 17 - 20%", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Ba Đình, TP Hà Nội, cho biết.
Còn với nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên của Việt Nam, điện mặt trời áp mái đóng vai trò lớn để đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu.
"Năm 2023 sẽ giảm phát thải hơn 200 tấn khí carbon ra môi trường so với năm 2022. Kế hoạch 5 năm tới, năng lượng mặt trời đóng góp 50% điện năng tiêu thụ", ông Ngô Công Thắng, Giám đốc Nhà máy Sữa Nghệ An, Vinamilk, cho hay.
Tuy nhiên, nhà máy này sẽ không nhận được bất kỳ khuyến khích hay ưu đãi nào trong thời gian tới. Bởi Bộ Công Thương không đưa vào dự thảo đối tượng này do lo sợ ảnh hưởng mạng lưới truyền tải điện. Đã từng chấp nhận chi phí đầu tư ban đầu cao, chung tay với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nhưng nhiều đơn vị đầu tư điện mặt trời áp mái hiện đang gặp khó.
TP Hồ Chí Minh xin cơ chế đặc thù để đầu tư điện mặt trời mái nhà
Trong bối cảnh tự gỡ khó về điện mặt trời mái nhà, TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển nguồn phát điện tại chỗ, trong đó tập trung vào năng lượng mặt trời mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại thành phố.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ cho thành phố áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT là biểu giá điện hỗ trợ thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Thành phố cũng kiến nghị chính phủ cho phép được sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nếu được Chính phủ chấp thuận, hệ thống lưới điện của thành phố đảm bảo giải tỏa hết công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải.
Hiện quan điểm của Bộ Công Thương là trong Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600 MW. Với quy mô này, không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1 KW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021 - 2030) được đặt ra.
Chưa kể, điện mặt trời trên mái nhà của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu đã có thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trước đó. Tuy nhiên, cả nước, nhất là miền Bắc đang thiếu nguồn điện dự phòng, còn tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu còn rất lớn, tại sao nhà nước lại không có cơ chế chính sách ưu đãi để người dân và doanh nghiệp phát triển điện mặt trời để góp phần giảm áp lực cho nhà nước, nhất là việc này còn góp phần thực hiện được cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.