Trung Quốc đứng đầu thế giới 10 năm liên tiếp về công suất điện mặt trời lắp mới

Hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo đã trở thành đồng thuận toàn cầu, trong đó, sản xuất quang điện mặt trời là một hướng chuyển đổi năng lượng quan trọng. Có chuyên gia nhận định, trong 5 năm tới, thế giới có thể sẽ phải dựa vào quang điện của Trung Quốc khi quốc gia này đang dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời, công suất quang điện lắp mới và đứng đầu thế giới 10 năm liên tiếp.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2050, khi thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0, gần 90% sản lượng điện sẽ đến từ năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời và gió sẽ chiếm gần 70%.

Trung Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời. Dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp quang điện Trung Quốc cho thấy, năm 2013, công suất lắp mới của nước này là 10,95GW (Gigawatt), lần đầu tiên vượt Đức trở thành thị trường quang điện lớn nhất thế giới và liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng này cho đến nay. Năm 2022, con số này là 87,41GW, tăng 59,3% so với cùng kỳ, đưa Trung Quốc trở thành nước có công suất quang điện mới lắp đặt đứng đầu thế giới trong 10 năm liên tiếp.

Ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tốc độ cao. Trong quý I năm nay, công suất lắp mới của nước này đạt 33GW, tương đương với nửa đầu năm ngoái. Ước tính, năm 2023, Trung Quốc sẽ đạt quy mô công suất phát điện năng lượng mặt trời khoảng 490 GW, lần đầu tiên vượt thủy điện, trở thành nguồn phát điện năng lượng phi hóa thạch số một ở nước này.

trung-quoc-nang-luong-mat-troi-1686097415.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Hiện, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời và gió với quy mô lớn ở các vùng sa mạc xa xôi, như Khu tự trị Nội Mông ở miền Bắc nước này. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Nội Mông, năm 2022, đầu tư vào các ngành năng lượng mới tại đây tăng 79% so với cùng kỳ, trong đó riêng đầu tư cho năng lượng mặt trời tăng 227,5%.

Những dự án điện mặt trời mới vẫn đang liên tục mọc lên tại đây, như dự án quang điện khắc phục vùng sụt lún do khai thác than có công suất 500.000 kW ở huyện Ejin Horo hay dự án quang điện sinh thái công xuất 2 triệu kW của Tập đoàn Elion ở sa mạc Kubuqi lớn thứ 7 Trung Quốc.

Khi trả lời Phóng viên VOV, ông Lý Phi, Phó trạm trưởng Trạm phát quang điện cải tạo sa mạc của Tập đoàn Elion cho biết: “Theo tôi, vẫn cần phát triển mạnh quang điện, bởi sa mạc Kubuqi có tài nguyên đất đai rất phong phú, cùng với lợi thế về tài nguyên ánh sáng và tiêu thụ điện năng, ngành công nghiệp quang điện có rất nhiều dư địa để phát triển”.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời nhiều nhất tính đến năm 2021, Trung Quốc đứng đầu với 306,9 GW, tiếp đến là Mỹ 95,2 GW, Việt Nam đứng thứ 9 với 16,6 GW.

Trong khi đó, ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tốc độ cao. Trong quý I năm nay, công suất lắp mới của nước này đạt 33GW, tương đương với nửa đầu năm ngoái. Ước tính, năm 2023, Trung Quốc sẽ đạt quy mô công suất phát điện năng lượng mặt trời khoảng 490 GW, lần đầu tiên vượt thủy điện, trở thành nguồn phát điện năng lượng phi hóa thạch số một ở nước này.

Chia sẻ tại Diễn đàn Trung Quan Thôn tổ chức tại Bắc Kinh cuối tháng 5, giáo sư Martin Green của Đại học New South Wales Australia, người được mệnh danh là “cha đẻ của năng lượng mặt trời” thế giới dự báo, ít nhất trong 5 năm tới, ngành công nghiệp quang điện thế giới sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thi Nguyên (t/h)