Đại diện Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết, tính đến ngày 24/5/2023, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá bán gửi hồ sơ để phục vụ đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, Công ty Mua bán điện đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Được biết, qua quá trình rà soát hồ sơ và đàm phán, EVN đã nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án. Hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21 của Bộ Công Thương. Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn, quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, có 19 dự án hoặc một phần dự án (bao gồm các nhà máy điện gió Nam Bình 1, VPL Bến Tre, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Viên An, Hanbaram, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh, Ia Le 1, Hướng Linh 7; các nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac) với công suất tổng cộng 1.347MW) đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm tính.
Dự án Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30MW đã hoàn thành đàm phán, đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm. Có 4 dự án điện gió (Số 5 - Thạnh Hải 2, 3, 4 và Cầu Đất) với tổng công suất 154MW vừa tiến hành đàm phán, vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Hiện, Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư đang phối hợp để sớm ký kết hợp đồng mua bán điện.
Theo chủ đầu tư một dự án năng lượng tái tạo cho biết, trong lúc chờ các chính sách để chốt được mức giá chính thức với EVN, việc tạm thời đẩy điện lên lưới, được mua điện với mức 50% giá trần cũng là giải pháp tình thế. Điều này giúp các chủ đầu tư sẽ tạm thời có chi phí để vận hành nhà máy sau nhiều tháng "đắp chiếu".
Một chủ đầu tư các dự án điện gió khác cũng cho hay, để được đẩy điện lên lưới và thống nhất mức giá tạm, phía chủ đầu tư cũng phải hoàn tất nhiều thủ tục trong khi mỗi địa phương hiện có các hỗ trợ doanh nghiệp khác nhau cũng như phải làm lại một số thử nghiệm kỹ thuật mất khá nhiều thời gian.