UBND tỉnh Bình Định cho biết, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 217 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó: có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu...
Các ngành liên quan của tỉnh đã tích cực tăng cường phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp chú trọng đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh vào các siêu thị, đại lý và các chợ truyền thống; đồng thời hàng năm hỗ trợ chủ thể tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử VNPost; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Quy Nhơn và một số địa phương; phát hành cẩm nang giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định.
Đến nay Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến mới, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy trình sản xuất; thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái thì nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước.
Tuy nhiên, sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được chủ động, nội dung triển khai Chương trình OCOP của nhiều chủ thể còn mang nặng tính hình thức (phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường, câu chuyện sản phẩm…), thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Ứng dụng khoa học công nghệ còn bất cập do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sản xuất theo hình thức thủ công truyền thống, sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận…), bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp….
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác những lợi thế, phát triển kinh tế nông nghiệp với những nông sản đặc trưng, tỉnh Bình Định tiếp tục củng cố, chuẩn hoá, hoàn thiện và phát triển 217 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận giai đoạn 2018-2022; trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Theo đó, Bình Định phấn đấu đến giai đoạn 2023-2025, phát triển công nhận khoảng 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đồng thời chuẩn hóa hoàn thiện và phát triển 217 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận giai đoạn 2018-2022; trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, tổ hợp tác và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP. Đến năm 2025, dự kiến Bình Định sẽ hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc trưng, lợi thế của các địa phương; xây dựng được ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,…); phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ hình thành mới hoặc cấu trúc lại bộ máy tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế; trọng tâm là hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bài bản, chuyên nghiệp về quy trình sản xuất, phân phối, tiếp thị; tạo các mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP góp phần lan tỏa Chương trình OCOP trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng gắn với bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của người dân; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.
Vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP: Gạo hữu cơ; Gạo quê Phước Hưng; Trà Gò Loi; Dứa, trà thảo mộc, cao thảo mộc; Rau an toàn; Rau an toàn và phát triển mô hình du lịch cộng đồng; Hoa các loại và phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; Bưởi Hoài Ân; Xoài cát Phù Cát; Nếp Bàu Chánh Trạch; Bưởi, cam, quýt; Chuối mốc Hoài Sơn; Nếp ngự Hoài Sơn; Dầu lạc; Dưa các loại; Rau an toàn Lá lành; Tinh dầu xả nguyên chất (sả JAVA); Dừa, phát triển thành sản phẩm OCOP tại các huyện.
Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm OCOP theo liên kết chuỗi; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương; chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường...
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để triển khai hiệu quả nhất. Chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP: Gạo hữu cơ; Gạo quê Phước Hưng; Trà Gò Loi; Dứa, trà thảo mộc, cao thảo mộc; Rau an toàn; Rau an toàn và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng; Bưởi Hoài Ân; Xoài cát Phù Cát; Nếp Bàu Chánh Trạch; Bưởi, cam, quýt; Chuối mốc Hoài Sơn; Nếp ngự Hoài Sơn; Dầu lạc; Dưa các loại; Rau an toàn Lá lành; Tinh dầu xả nguyên chất (sả JAVA); Dừa tại các huyện; Cá ngừ đại dương; Yến sào; Gà đồi.
Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP với việc ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, như: sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP đối với các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP Gạo hữu cơ Ân Tín, Gạo quê Phước Hưng, Nếp Bàu Chánh Trạch, Nếp ngự Hoài Sơn. Hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch duy trì vùng sản xuất nguyên liệu lạc ổn định, sử dụng các giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP Dầu lạc tại các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, thị xã An Nhơn. Xây dựng Hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gồm: Gian hàng OCOP tại các siêu thị, chợ truyền thống; Điểm bán hàng OCOP tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu dân cư...;Hình thành các điểm trưng bày giới thiệu và bán hàng OCOP tại các địa phương trong cả nước...