Quảng Ninh: Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai sâu rộng vào thực tế, xây dựng được nhiều sản phẩm thế mạnh tham gia vào thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thông qua chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đang dần trở nên quen thuộc, có mức tiêu thụ cao, đến được gần hơn với người tiêu dùng.
op-1670047911.jpg
Đoàn công tác Sở Công Thương khảo sát tại siêu thị Aloha Mall Đông Triều

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với diện tích gần 5.000ha, phát triển đa dạng các loại vùng cây ăn quả, nuôi tôm, chăn nuôi, nhuyễn thể… Qua đó, giúp thay thế việc nuôi trồng, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án với quy mô lớn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân.

Xuất phát từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển được trên 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao, có thể cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của người dân, đặc biệt trong mỗi dịp tổ chức hội chợ OCOP hằng năm. Đơn cử, như tại TX Đông Triều, địa phương được đánh giá tiên phong trong xây dựng, hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, khẳng định được chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể và chứng nhận VietGAP như: Na dai, nếp cái hoa vàng, cam Canh…

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 28/9/2022 về Phê duyệt Dự án thí điểm kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính trong kênh tiêu thụ là các doanh nghiệp/hợp tác xã phân phối (kinh doanh chợ, siêu thị, cửa hàng) trên địa bàn TX Đông Triều, từ ngày 24/11 đến 14/12/2022, Sở Công Thương thành lập Đoàn khảo sát đánh giá thực trạng tại một số HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm nông sản, thuỷ sản và OCOP đang hoạt động trên địa bàn TX Đông Triều.

Trong thời gian thực hiện khảo sát, Đoàn công tác đã đi thực tế tại các hộ, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và làm việc với UBND TX Đông Triều nhằm nắm bắt thông tin về nhu cầu và khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông, thuỷ sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh nói chung và của TX Đông Triều nói riêng. Qua khảo sát, đoàn đã ghi nhận hàng hoá được trưng bày, giới thiệu tại trụ sở của các đơn vị đã đảm bảo các quy định pháp luật về chất lượng, mẫu mã bao bì bắt mắt, phong phú về chủng loại, giá thành đã có điều chỉnh để phù hợp với thị trường…đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn TX Đông Triều nói riêng và người tiêu dùng trong tỉnh nói chung. Đoàn cũng đề nghị các đơn vị phân phối trên địa bàn TX Đông Triều hướng dẫn quy trình thủ tục để kết nối sản phẩm của địa phương vào tiêu thụ tại chuỗi hệ thống phân phối…

Thông qua khảo sát, Đoàn công tác sẽ thu thập những thông tin cơ bản để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các chương trình toạ đàm kết nối các hộ, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy việc hình thành chuỗi đơn vị tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TX Đông Triều, tiến tới triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi 5 nhà “Nhà nước - khoa học - doanh nghiệp - nông dân - người tiêu dùng”, hướng tới phát triển nền thương mại hiện đại, khoa học.

Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh cũng đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã… Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân. Đồng thời, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cho thị trường. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn đã quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn theo hình thức tập trung như: VinEco - Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc… Hiện nay, tổng số tổ chức tham gia OCOP toàn tỉnh Quảng Ninh là 189 đơn vị, trong đó có 52 doanh nghiệp, 72 HTX, 65 hộ sản xuất.

Thời gian tới, để xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm OCOP, ngành Công Thương sẽ tiếp tục chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm; tổ chức các hội nghị kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại các siêu thị, Trung tâm thương mại… Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP để củng cố các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững./.

 

Minh Đức