Hà Nội: Cần tháo điểm “nghẽn” lớn trong sản xuất chuỗi liên kết chăn nuôi

Đến nay, toàn TP.Hà Nội có khoảng trên 20 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thu hút gần 3.000 hộ và trên 1.000 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia...

Duy trì đàn gia cầm đứng Top đầu cả nước

Những năm qua với sự quan tâm của các cấp các ngành, Hà Nội đã có nhiều chính sách để phát triển nâng cao chất lượng giống nên đàn gia súc gia cầm đã được cải thiện đáng kể với nhiều giống mới có năng suất, chất lượng thịt cao (bò Wezu, BBB, lợn gen (+), lợn Pitran, Yorkshire, Landrace, gà Sasso, Ross 208, Brown, Ai Cập …) được người tiêu dùng ghi nhận đánh gía cao về chất lượng. Đồng thời, Hà Nội đã có nhiều giải pháp xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo sự bền vững.

chan-nuoi-1675312207.jpg
Trang trại chăn nuôi xa khu dân cư của HTX Chăn nuôi Ngũ Châu, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt.

Đến nay, toàn TP.Hà Nội có khoảng trên 20 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thu hút gần 3.000 hộ và trên 1.000 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia; hàng ngày các chuỗi đã cung cấp cho thị trường khoảng 26 tấn thịt lợn, 02 tấn thịt bò, 13,5 tấn thịt gia cầm, 120 ngàn quả trứng gia cầm, khoảng 100 tấn sữa tươi.

Tại các chuỗi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cơ bản được thực hiện theo chu trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các mô hình chuỗi hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu.

Bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định. Điển hình là các chuỗi giá trị của một số công ty, doanh nghiệp lớn (như Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco, Công ty Japfa…).

Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai). Thành phố cũng có trên 30 nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm chăn nuôi (trứng gà Tiên Viên, Sữa Trang Viên, thực phẩm AZ,...).

Đến nay, Hà Nội có đàn gia cầm đứng Top đầu cả nước dao động khoảng 37-38 triệu con, đàn lợn 1,6 triệu con, đàn trâu bò khoảng 170 ngàn con, đàn chó mèo trên 430 nghìn con và đàn dê trên 13 nghìn con. Tổng số trang trại chăn nuôi 6.515, trong đó có 91 trang trại quy mô lớn, 1.387 trang trại quy mô vừa, 5.037 trang trại quy mô nhỏ và 190.608 hộ chăn nuôi.

Những khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua việc xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi tại Thủ đô Hà Nội cũng gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đó là tốc độ đô thị hóa nhanh trực tiếp ảnh hưởng đến các vùng chăn nuôi, trang trại chăn nuôi và hệ thống chuỗi liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Một số huyện còn chăn nuôi với số lượng gia súc gia cầm lớn nhưng thành phố đã có lộ trình để đưa các huyện lên quận (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) nhất là huyện Đông Anh còn có nhiều doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn sản xuất giống.

Một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Thành phố đã quy hoạch Mạng lưới giết mổ nhưng tiến độ thực hiện tại các huyện còn nhiều vướng mắc khó khăn. Đặc biệt việc kết nối tác nhân thực hiện khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm còn khó khăn do tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến.

bo-sua-1675312222.jpg
Chăn nuôi bò sữa theo chuỗi là một trong những thế mạnh của Hà Nội.

Hà Nội hiện có 730 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm trong đó chỉ có 07 cơ sở công nghiệp; 56 bán công nghiệp; còn lại là cơ sở, điểm nhỏ lẻ, thủ công. Chưa có nhiều các Doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi, nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, về phía người tiêu dùng do thói quen tập quán sử dụng thịt mát, thịt cấp đông chưa nhiều, đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng giết mổ trong ngày được bày bán tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống phần nào đã kìm hãm sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện tích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi.

Thành phố đã có quy hoạch chăn nuôi song việc triển khai thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ chế đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phát triển trang trại quy mô lớn, cơ sở giết mổ. Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn cao (gần 60 %).

Đây chính là một điểm "nghẽn" lớn để hình thành phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ, sơ chế chế biến.

Mặt khác, thời gian qua (nhất là từ năm 2019 đến nay) do tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngành chăn nuôi gặp quá nhiều khó khăn về biến động thị trường, giá thức ăn tăng cao, nguồn cung cho chăn nuôi liên tục biến đổi thất thường nhiều chuỗi liên kết đứt gãy, nhiều chuỗi đã và đang hình thành rất khó tính toán và cân đối giữa đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, liên kết dọc, ngang đều gặp khó.

ong-nguyen-ngoc-son-1675312241.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội. Ảnh: Minh Huệ.

Về góc độ quản lý chuyên ngành với các chuỗi giá trị còn bị ảnh hưởng bởi các chế tài ràng buộc có nơi, có lúc chưa được chặt chẽ, quy mô hẹp, chủ yếu mới dừng ở mức độ mô hình. Đặc biệt, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc rõ ràng đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng, không rõ xuất xứ vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán sản phẩm lên cao, trong khi việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn hạn chế, nhất là thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, đối với doanh nghiệp khi xây dựng chuối cũng chưa thực sự đầu tư mạnh cho quảng cáo tuyên truyền sản phẩm, kinh phí đào tạo và tập huấn Vietgap, kinh phí xét nghiệm thường xuyên cũng làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng liên kết chuỗi.

Những giải pháp trọng tâm

Để tháo gỡ điểm “nghẽn” trên, Hà Nội đã có Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã có những giải pháp cụ thể đó là thúc đẩy nhanh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng, thực hiện lộ trình dịch chuyển dần chăn nuôi gia súc lớn, chăn nuôi thương phẩm sang các địa phương lân cận. Tập trung nâng cao chất lượng con giống, khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các sản phẩm sinh học trong chăn nuôi tạo hàng rào bảo vệ vật nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nâng cao chất lượng về phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, tăng cường năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y để đảm bảo an toàn dịch bệnh, không để các chuỗi cung ứng đứt gãy.

ga-1675312263.jpg
Hà Nội đã xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể như: Gà đồi Ba Vì, vịt Vân Đình...

Về cơ chế, chính sách, tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi, về chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy các chuỗi phát triển ổn định, bền vững phù hợp với từng giai đoạn, từng khu vực.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc truy xuất hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với động vật, sản phẩm động vật, tạo điều kiện để các sản phảm rõ nguồn gốc trong liên kết chuỗi lưu thông, tiêu thụ được thuận lợi.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm từ các cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trực tiếp ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra.

Khuyến khích người chăn nuôi nhỏ phải liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại. Các doanh nghiệp chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm.

Với các huyện tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp. Hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi khép kín gắn với giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Đối với các doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư ban đầu xây dựng trang trại và các trang thiết bị đầu vào cho các trang trại nằm trong hệ thống gia công. Tổ chức tốt các lớp tập huấn về kỹ năng quản lý trang trại, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi gia công.

Đối với các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết lựa chọn quy mô chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, tuân thủ đúng với những gì đã ký với hợp đồng của công ty. Thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm tới môi trường xung quanh.

Với những giải pháp trên được các cấp các ngành quan tâm, người dân đồng tình ủng hộ chắc chắn liên kết chuỗi trong chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội sẽ có bước chuyển mạnh góp phần để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Theo Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội/Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam