Mới đây, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã tổ chức sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Đề án phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện. Kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận: Diện tích, sản lượng đều tăng; một số sản phẩm chè đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, được bảo hộ nhãn hiệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trong thời gian tới còn nhiều việc phải làm để sản phẩm chè đặc sản Nà Hang tiếp tục khẳng định giá trị và thương hiệu riêng có của mình, thêm cơ hội để bứt phá, vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt là sản phẩm chè Shan Tuyết Na Hang đã được cấp chỉ dẫn địa lý, 04 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP (02 sản phẩm đạt 4 sao, 02 sản phẩm đạt 3 sao), 01 sản phẩm đang lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn 5 sao, 02 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, các sản phẩm đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Có thể nói đây là những thành quả rất đáng vui mừng khi những sản phẩm chè đặc sản của huyện Nà hang đã và đang khẳng định giá trị và thương hiệu riêng có trên thị trường, được nhiều người biết đến, tìm mua, mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn.
Để đạt được kết quả trên, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với UBND các xã tiếp tục thực hiện rà soát, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ có diện tích chè thực hiện các biện pháp thâm canh, từng bước nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng diện tích chè hiện có; phối hợp với đơn vị tư vấn cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn, tổ chức hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Sinh Long, Sơn Phú và xã Hồng Thái cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ tham gia liên kết sản xuất; tổ chức hướng dẫn quy trình thu hái chè, cải tạo, chăm sóc, chỉnh trang vườn chè gắn với quảng bá hình ảnh nhằm thu hút khách du lịch thăm quan, trải nghiệm.
Huyện đã tiến hành khảo sát cây chè Shan Tuyết đủ điều kiện, tiêu chuẩn cây đầu dòng để nhân giống 30 vạn cây chè của HTX NN & DV Sơn Trang xã Sơn Phú. Thực hiện cải tạo được 116 ha chè, tổ chức được 03 buổi hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất hữu cơ với 05 HTX, 01 doanh nghiệp và 80 lượt hộ dân tham gia. Tổ chức 03 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè cho 145 học viên, 01 lớp đào tạo kỹ thuật sao, pha chế chè cho 45 học viên, 01 lớp tập huấn sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho 50 học viên. Thông qua công tác hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trình độ canh tác của nông dân về sản xuất chè có chuyển biến tích cực, một số hộ đã duy trì được quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, một số diện tích có năng suất, sản lượng cao hơn, chất lượng, mẫu mã búp chè đồng đều hơn so với mặt bằng chung.
Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện vẫn còn khá nhiều mặt hạn chế, tồn tại nổi lên là: Việc khai thác diện tích chè Shan Tuyết hiện có chưa thật hiệu quả; còn nhiều diện tích chè đến tuổi khai thác chưa được chăm sóc, đốn tỉa, thu hái nên giảm hiệu quả kinh tế; việc gắn kết sản xuất với tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững; năng xuất, sản lượng, chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, diện tích sản xuất được công nhận đảm bảo theo tiêu chuẩn đã được cải thiện nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhận thức của một số cán bộ điều hành HTX, người dân trong việc quản lý, chăm sóc, cải tạo, thu hái, bảo vệ, phát triển theo quy trình, kỹ thuật cũng như việc cải tiến mẫu mã, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến chè và bảo tồn nguồn gen quý còn hạn chế, bất cập; công tác giao, cho thuê, hợp đồng đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để quản lý, bảo vệ, chăm sóc, khai thác diện tích chè hiện có còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để đạt hiệu quả cao hơn
Với những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Đề án, huyện Nà Hang tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2030 duy trì ổn định trên 1.400 ha diện tích chè hiện có, đầu tư chăm sóc để nâng năng suất chè lên gấp 1,5 đến 2 lần so với hiện tại. Thực hiện trồng mới diện tích chè từ 100-160 ha tại các xã có điều kiện về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc. Xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chè an toàn, liên kết sản xuất, chế biến, phát triển từ 2 đến 3 điểm quảng bá văn hoá trà gắn với du lịch.
Để đạt được mục tiêu trên đây, huyện đã đề ra nhiều biện pháp và yêu cầu triển khai thực hiện một cách đồng bộ để có thể đạt được kết quả cao nhất, cụ thể là:
Khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại ngành chè theo hướng tăng cường liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Chú trọng thực hiện sản xuất an toàn thực phẩm, nhất là áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp GAP, hữu cơ.
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt việc duy trì, củng cố thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thượng mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người trồng chè trong việc phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, trong đó chú trọng cải tạo vùng nguyên liệu chè hiện có; đồng thời rà soát quy hoạch diện tích đất đảm bảo cho phát triển trồng mới nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến.