Những năm gần đây, xuất khẩu chè và cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu chè và cà phê chế biến. Cà phê và chè nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Cà phê Việt Nam hiện đã được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cùng với cà phê, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè. Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt Nam.
Đối với mặt hàng cà phê, theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan, Việt Nam hiện là đối tác cung ứng cà phê lớn thứ 8 của Đài Loan về kim ngạch (tương đương 2,53% thị phần) và thứ 18 của Đài Loan về trọng lượng (tương đương 1,06% thị phần). Thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam giảm dần trong mấy năm gần đây, nguyên nhân có thể đến từ việc các thương nhân Đài Loan có xu hướng thích nhập khẩu cà phê arabica vốn được trồng nhiều ở Nam Mỹ thay vì cà phê robusta của Việt nam vốn được cho là đắng hơn và khó pha chế hơn cho khẩu vị người tiêu dùng Đài Loan.
Đối với thị trường Hồng Kông, nhiều năm liền, Việt Nam luôn nằm trong “top” 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông. Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông, thứ 2 trong các đối tác ASEAN của Hồng Kông, với kim ngạch thương mại song phương 2 chiều Việt Nam - Hồng Kông đạt 13,62 tỷ USD. Qua 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 2,86 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hồng Kông đạt 520,7 triệu USD.
Hồng Kông là thị trường rất tự do, không đánh thuế hải quan với hàng hoá xuất nhập khẩu, chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như rượu, thuốc lá... Hồng Kông là thị trường chuyên nhập khẩu hàng lương thực, thực phẩm lại có quãng đường vận chuyển khá ngắn, có nhiều yếu tố tương đồng trong khẩu vị với Việt Nam. Khả năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao rất tốt, thậm chí sản phẩm đặc sản, giá thành cao cũng là yếu tố thuận lợi đáng chú ý tại thị trường này. Vì vậy, đây là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng chè và cà phê của Việt Nam.
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm đến xuất khẩu chè và cà phê sang thị trường Đài Loan và Hồng Kông, ngày 28/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Đài Bắc và Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang thị trường Đài Loan và Hồng Kông diễn ra tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tại phiên tư vấn, ông Vũ Văn Cường, Trưởng đại diện Bộ phận Thương vụ, Văn phòng Kinh tế, Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) và bà Vũ Thị Thuý, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao) sẽ thông tin tổng quan thị trường các sản phẩm chè và cà phê của Đài Loan và Hồng Kông; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê của Việt Nam sang Đài Loan và Hồng Kông.
Bên cạnh đó, phiên tư vấn cũng sẽ có sự tham gia của ông Chou Tsung-Piao, Tổng Giám đốc Công ty Trà Queyue (Đài Loan) và ông Trần Gia Diệu cán bộ Phòng Thu mua quốc tế thuộc Tập đoàn ELOM (Đài Loan). Các đại diện doanh nghiệp này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh sản phẩm chè và cà phê với thị trường Đài Loan./.