Phát triển các làng nghề nâng cao thu nhập cho người dân các vùng quê ở Diễn Châu

Đến thời điểm này, nhịp độ phát triển làng nghề ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lan tỏa rộng khắp 37 xã, thị trấn trong huyện. Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 20 làng nghề và 23 làng có nghề. Đây được xem là hướng đi phù hợp của vùng đất Phủ Diễn với truyền thống và lịch sử lâu đời nhất của Nghệ An.
nghe-an-1-1699440851.jpg
Làng nghề nước mắm Vạn Phần (xã Diễn Ngọc) với thương hiệu và chất lượng đã được khẳng định cả trong và ngoài nước

Để phát triển các làng nghề, huyện Diễn Châu đã sớm có chính sách hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi để phát triển làng nghề. Cụ thể, những xã xây dựng làng nghề sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng. Riêng khu sản xuất tập trung có quy mô 6 ha trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng tiền quy hoạch. Công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, tham gia hội chợ, các cuộc triển lãm ở tỉnh, ở huyện được các làng nghề Diễn Châu quan tâm. Việc đào tạo thợ kỹ thuật, truyền nghề cho nông dân được làm thường xuyên, thu hút hàng nghìn người tham gia học nghề. Người dân giành sự quan tâm cho các lĩnh vưc: nuôi trồng chế biến hải sản, mây tre đan, chế biến sứa biển, tôm nõn khô, nước mắm cốt 32 độ đạm xuất khẩu… Mười năm xây dựng nông thôn mới (từ năm 2011- 2021),trạm Khuyến nông, Trung tâm dạy nghề huyện mở hơn 150 lớp, với hơn 20 nghìn lượt học viên theo học đào tạo nghề, nuôi trồng, chế biến thủy sản, làm mây tre đan, may công nghiệp, làm giày da, điện dân dụng, thú y thôn, cơ khí, gò hàn, lắp ráp máy nông cụ, ngư cụ… Đã có 8 làng nghề có sức sống bền chặt tồn tại hàng trăm năm nay như:
Bánh bún làng nghề Huỳnh Dương xã Diễn Quảng, chổi đót Thái Loan xã Diễn Đoài, nước mắm Vạn Phần các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn, làng trống da xã Diễn Hoàng, tơ tằm Diễn Kim. Tổng số vốn để xây dựng làng nghề, làng có nghề do dân đóng góp ban đầu, từ 6 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng/làng.

images1629489-2-10-1699440858.jpg
Làng trống Diễn Vạn đã có tuổi đời hàng trăm năm

Phát triển làng nghề và làng có nghề ở Diễn Châu đã góp phần tăng trưởng kinh tế mỗi năm từ 10 - 14%. Năm 2004 giá trị tiểu thủ công nghiệp làng nghề đạt 124 tỷ đồng, đến năm 2021 nâng lên hơn 900 tỷ đồng, trong đó làng nghề và làng có nghề chiếm 50%. Các làng nghề bánh bún Huỳnh Dương, Chổi đót Thái Loan, Bánh kẹo Diễn Vạn, nước mắm Diễn Bích, tôm nõn khô Diễn Ngọc, trống da xã Diễn Hoàng vừa tạo việc làm cho 5000 lao động, vừa tạo nguồn thu mỗi làng từ 5 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng. Làng bánh bún Huỳnh Dương xã Diễn Quảng mỗi năm tiêu thụ 80 tấn gạo ngon, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, thu hơn 15 tỷ đồng. Làng trống da Diễn Hoàng có 50 nghệ nhân tay nghề cao, thu nhập mỗi năm từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng/người. Nhờ phát triển tiểu thủ công nghiệp, bà con nông dân không phải đi xa để mua nông cụ, ngư cụ, phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Ngay tại huyện, tại vùng cũng có xưởng đóng tàu thuyền, lắp ráp máy nông cụ, máy cày đa chức năng, máy bóc lạc, máy tuốt lúa và các mặt hàng nông sản, hải sản đã qua chế biến. Mười năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (từ năm 2011 - 2021) các làng nghề, làng có nghề ở Diễn Châu đã góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong đó tiêu chí 13 về tạo việc làm tại xã và khu dân cư được hoàn thành nhanh gọn trong 2 năm 2011 – 2012, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 3.500 lao động.

banh-da2637746661175694685-1699440863.jpg
Bánh bún Diễn Hoàng tạo việc làm cho hơn 300 lao động

Rõ ràng thủ công nghiệp và làng nghề ở Diễn Châu trở thành mũi kinh tế chủ yếu chiếm 50% trong kinh tế hộ, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt mỗi năm từ 13.000 tỷ đồng đến 18.000 tỷ đồng, sản lượng lương thực và nông sản đạt 13.000 tấn/năm, đánh bắt 46.000 tấn hải sản, phát triển chăn nuôi bền vững, đưa tổng đàn gia súc mỗi năm 120.000 con, gia cầm 1,6 triệu con. Hơn 180 xóm, 36.000 hộ nhờ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại, dịch vụ, có mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến 450 triệu đồng/hộ/năm trở lên. Toàn huyện đã có 10 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP và 30 mặt hàng của các làng nghề phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 36/36 xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với 19/19 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, với mức thu nhập bình quân 53 triệu đồng/người/năm, với hơn 30 vạn người dân.

Việc quan tâm, đầu tư để phát triển các làng nghề tại huyện Diễn Châu nói riêng và Nghệ An nói chung đã mang lại những hiệu quả thiết thực. không những góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc./.

Quốc Cường