Cuối năm 2019, khi đại dịch Covid 19 bùng phát, anh Dung phải nghỉ việc ở nhà, anh trăn trở làm sao có thể tìm cách kiếm thu nhập cho gia đình. Có thời gian rảnh anh lên mạng tìm hiểu các mô hình kinh tế. Thấy lươn là đối tượng vật nuôi có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng và kinh phí đầu tư, cách làm chuồng trại cũng khá đơn giản như bể xi măng, bể composite hay trong bể lót bạt.
Đặc biệt, nuôi lươn không chiếm nhiều diện tích, có thể nuôi ở diện tích quy mô nhỏ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập.
Sau đó, anh Dung tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà và vật liệu sẵn có, làm 5 ô bể, lót bạt xung quanh, mỗi bể có diện tích 5m2 để nuôi lươn thương phẩm theo hình thức mới nuôi không bùn.
Anh đặt mua 1 vạn con giống từ tỉnh Phú Yên về nuôi với trọng lượng 500 con/1kg, sau 8 - 10 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng 4 - 5 con/kg anh bắt đầu xuất bán ra thị trường. Lứa đầu tiên, anh thu về hơn 1,5 tấn lươn đem lại nguồn thu hơn 200 trăm triệu cho gia đình, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 60 triệu đồng.
Sau lứa lươn đầu tiên, thấy có thu nhập khá, anh tiếp tục nghiên cứu thêm kỹ thuật, đến trực tiếp học hỏi từ các hộ nuôi lươn thành công. Những năm tiếp theo, mỗi năm anh thu hoạch trên 2,5 tấn lươn từ 5 bể lót bạt đó, nâng tổng thu lên gần 300 trăm triệu, sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 100 triệu đồng.
Để hạn chế sản phẩm ra nhiều cùng một lúc khiến giá sụt giảm, anh Dung chọn cách thả nuôi luân phiên cuốn chiếu, các bể thu hoạch không cùng 1 lúc mà thường cách nhau 2 tháng.
Theo anh Dung, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, trước tiên khi làm bể nuôi phải đảm bảo chiếu, các bể thu hoạch không cùng 1 lúc mà thường cách nhau 2 tháng. Yếu tố thoáng mát, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể. Vì vậy, hàng ngày phải thay nước và làm sạch bể nuôi sau khi cho ăn. Trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ. Ngoài cho lươn ăn bằng cám công nghiệp, anh còn cho thêm giun quế, cá xay, trứng gà vừa giúp giảm lượng cám, vừa cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất, giúp lươn khỏe mạnh, nhanh lớn. Ngoài ra, việc chú trọng phòng trị các loại bệnh thường gặp ở lươn như đi ngoài, xuất huyết đường ruột, nấm,…phải luôn được ưu tiên.
Ưu điểm của nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao. Mặt khác lươn ít nhiễm bệnh, do không tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường bùn đất, mỗi ngày chỉ phải bỏ ra khoảng vài tiếng đồng hồ cho lươn ăn và thay nước, làm sao đảm bảo nước luôn sạch và trong thì con lươn sẽ đỡ bệnh.
Để đảm bảo nguồn nước nuôi lươn an toàn, giúp lươn phát triển khỏe mạnh, anh Dung đã xây dựng hệ thống xử lý môi trường nuôi bài bản. Toàn bộ nước thải của lươn anh cho vào bể lắng, bể này nuôi cá trê và thả bèo đồng thời dùng thêm men vi sinh xử lý các chất bẩn, thức ăn thừa của lươn giúp nguồn nước luôn sạch sẽ và giảm ô nhiễm môi trường.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, đầu năm 2023, anh Dung đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua 45 bể composite, các dụng cụ nuôi, thức ăn và lươn giống. Hiện tại, anh đang sở hữu hơn 120 nghìn con trong trang trại.
Anh Dung chia sẻ: Tôi đang triển khai nuôi với mật độ 500con/m2. Như vậy, sản lượng trên diện tích sẽ cao hơn nên tôi phải thay nước nhiều hơn, mỗi ngày 3 - 4 lần để đảm bảo môi trường cho lươn phát triển khỏe mạnh. Mỗi người sẽ có một cách nuôi khác nhau. Bản thân tôi chọn bể composite để tiện lợi hơn trong việc di chuyển, vệ sinh và lươn không bị trầy xước,…
Với kỹ thuật chăm sóc bài bản, có kinh nghiệm cùng với thị trường tiêu thụ hiện tại, anh Dung đang hi vọng một năm thu hoạch khá từ mô hình nuôi lươn không bùn này.
Với những thành công và cách làm hay từ mô hình nuôi lươn không bùn, thời gian qua đã có nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh về tham quan học tập kinh nghiệm.
Trao đổi cùng phóng viên, ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà cho biết: Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Phạm Ngọc Dung là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Vượt qua những khó khăn, mô hình đã thể hiện cách nghĩ, cách làm mới của tuổi trẻ để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chính quyền địa phương đang nghiên cứu và đề xuất các cấp có sự hỗ trợ về chính sách cho các hộ nuôi lươn, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, vận động nhân dân nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.