Xuất khẩu nông sản tăng trưởng tích cực
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, qua 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản (NLTS) ước đạt 9,84 tỷ USD, xuất siêu 2,68 tỷ USD. Nhóm hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái gồm: nông sản; lâm sản; thủy sản; chăn nuôi… Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao như: sản phẩm gỗ, cà phê, rau quả, gạo, hạt điều, tôm.
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái: Sản phẩm gỗ 1,68 tỷ USD (tăng 59%), cà phê 1,38 tỷ USD (tăng 85%), rau quả 970 triệu USD (tăng 72,8%), gạo 708 triệu USD (tăng 49,8%), hạt điều 595 triệu USD (tăng 68,2%), tôm 403 triệu USD (tăng 20,5%). Riêng mặt hàng cá tra giảm nhẹ 0,7%, đạt 224 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường châu Á; châu Đại Dương và châu Phi đều tăng. Trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,5% (tăng 77,3%); Trung Quốc chiếm 21% (tăng 47,9%) và Nhật Bản chiếm 7,2% (tăng 29,2%).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Các hoạt động xuất khẩu gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo rằng sự hồi phục này là bền vững và không chỉ là một chu kỳ tạm thời trong nhu cầu thực phẩm trên các thị trường lớn. Theo đó, để thương hiệu NLTS Việt Nam giữ vững vị trí trên trường quốc tế, từng mặt hàng phải nhắm đến đối tượng người tiêu dùng cụ thể".
Cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng NLTS chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng thị trường. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai thương mại cho các mặt hàng như thịt, quả dừa và sầu riêng đông lạnh. Tiếp theo, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành đàm phán để mở cửa thêm cho thủy sản và dưa hấu. Đồng thời, phát triển cửa khẩu thông minh và mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ cũng cần tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển nông sản sang Trung Quốc, giảm thiểu chi phí logistics và tăng cường thu nhập cho người nông dân.
Cần nắm bắt dư địa xuất khẩu bứt phá trong năm 2024
Các chuyên gia khuyến nghị, để xuất khẩu nông sản trong năm 2024 đạt giá trị cao hơn và thiết lập nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực, ngành hàng nông sản Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn về chế biến sâu. Đây được coi là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng được chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra những sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị cao hơn.
Đề cập về giải pháp chế biến sâu, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.
Theo bà Kim Thu - chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trên chặng đường vượt khó trong năm 2024 mặt hàng tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng cách lựa chọn giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động chế biến để nâng giá trị gia tăng.
Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn các sản phẩm tôm Việt.
Ở góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phạm Minh Thông cho rằng, để ngành cà phê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu.
“Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải chú trọng cập nhật công nghệ. Bởi đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn”.
Nhằm đảm bảo chất lượng cao cho các mặt hàng NLTS Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng. Về lúa gạo, với tình trạng bất ổn chính trị đã ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu, Bộ NN&PTNT quyết tâm duy trì 7,1 triệu ha gieo trồng trên cả nước với 89% giống lúa chất lượng cao, đảm bảo sản lượng gạo. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cần nâng cao năng lực và cải thiện trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu thủy sản nhằm mở ra cơ hội tự chủ giống và phát triển các giống mới./.