Lợi ích kép từ làm nông sản “sạch”

Nông trại sạch Cần Thơ (còn gọi là Cần Thơ Farm) ở số 79A, đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã được nhiều người tìm đến tham quan, tìm hiểu cách trồng rau quả “sạch” để an tâm mua về sử dụng.
nong-san-sach-can-tho-1650676528.jpg
Người tiêu dùng yên tâm khi các sản phẩm đều có xuất xứ

Với niềm đam mê và quyết tâm cao, ông chủ nông trại này đã nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, giống cây trồng mới vào sản xuất cho ra nhiều loại nông sản “sạch”… Nông trại sạch Cần Thơ có tổng diện tích khoảng 7.000m2 được phân ra làm nhiều khu vực để sản xuất đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi và mỗi khu vực có lối đi thuận lợi cho khách đến đây tham quan.

Bên cạnh các khu vực trồng rau ăn lá theo các dạng địa canh, thủy canh và trồng các loại rau ăn quả, nông trại còn có các khu vực trồng nho, khu nhà trồng dưa lưới, cà chua, nhà ươm cây giống. Nông trại cũng có bể nuôi lươn, ao nuôi cá với sinh cảnh hoa sen; khu phục vụ ẩm thực; khu trưng bày đặc sản ĐBSCL với các loại nông sản, thực phẩm sạch được chế biến từ các nguyên liệu trồng tại nông trại.

Đến với nông trại này, du khách vừa có thể vui chơi giải trí, vừa trải nghiệm việc ươm, trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản, cũng như chọn mua các loại nông sản “sạch” về để sử dụng trong gia đình và làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Bà Huỳnh Thị Mười, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: “Nông trại trồng nhiều loại rau sạch, lại cho khách tham quan và phục vụ nhiều món ăn, cuối tuần tôi thường cho các con đến đây vui chơi, tận mắt xem các cô chú ở nông trại trồng và chăm sóc rau. Các con tôi rất thích thú”.

Nông trại đã sản xuất được hàng chục loại loại rau ăn lá, rau quả và trái cây, nhất là dưa lưới và nhiều sản phẩm chế biến: nước ép, mứt, kem… Khách đến đây, cũng có cơ hội được thưởng thức nhiều món ngon: bánh xèo, bánh khọt, cá kho tộ, lẩu mắm… Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ đến đây sẽ có  không gian tốt cho bé vui chơi và học tập nhiều điều hay từ thực tế làm nông; học tập về cách trồng, chăm sóc các loại rau, quả sạch. Nơi đây cũng dần trở thành địa chỉ sinh hoạt ngoại khóa hấp dẫn dành cho các bạn sinh viên, học sinh.

Anh Nguyễn Văn Phong, chủ Nông trại sạch Cần Thơ, cho biết: “Nông trại thành lập và có giấy phép hoạt động từ năm 2016. Việc thành lập nông trại này xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn của tôi tạo ra một địa điểm sản xuất các loại nông sản an toàn mà mọi người có thể đến tham quan, giải trí, trải nghiệm sản xuất … và có sản phẩm mang về. Ngoài diện tích sản xuất tại chỗ, nông trại còn có khoảng 3 héc-ta liên kết với các hộ dân bên ngoài trồng dưa lưới sạch, cung ứng cho các siêu thị và phục vụ kinh doanh tại nông trại.

Để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm và tiện lợi dùng làm quà tặng trong du lịch, nông trại làm bao bì, nhãn hiệu và làm logo để tới đây dán lên các sản phẩm do mình làm ra”. Theo anh Phong, việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất và gắn logo, nhãn hiệu cho sản phẩm khi đưa ra thị trường là rất cần thiết. Sẽ tạo niềm tin, sự gắn kết giữa người sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh các loại nông sản an toàn.

Thời gian qua nông dân và các tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp đã phát triển sản xuất được nhiều loại nông sản đạt theo các quy trình và tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nông dân còn gặp khó trong việc giới thiệu quy trình sản xuất và quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm “sạch” nông dân làm ra chủ yếu bán qua trung gian thương lái và chưa được đóng gói trong các bao bì có nhãn hiệu hay dán các logo lên sản phẩm nên người tiêu dùng gặp khó trong nhận diện sản phẩm, cũng như phân biệt với các sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường.

Đây là điều các cơ quan chức năng cần quan tâm, tháo gỡ để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng nông sản “sạch”. Kịp thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ để nhân rộng nhanh các mô hình hiệu quả, nhất là phát huy những cách làm hay, sáng tạo của những người có đam mê và tâm huyết như anh Nguyễn Văn Phong./.

Lê Hà TH