Nông nghiệp xanh - sự lựa chọn của phát triển bền vững

Nông nghiệp xanh đang dần trở thành xu thế khi mà áp lực lên ngành nông nghiệp ngày càng gia tăng, người nông dân không chỉ tìm kiếm một giải pháp nông nghiệp hiệu quả mà còn ổn định, lâu dài. Và nông nghiệp xanh là lựa chọn không thể đúng đắn hơn, nhưng vì một số hạn chế về tiềm lực mà mô hình và cách thức khởi đầu nông nghiệp xanh chưa thực sự được khai thác.
nong-nghiep-xanh-sach-kttg-700-2017-ok-1635380699.jpg
Ảnh minh họa

Nông nghiệp xanh là gì

Nông nghiệp xanh xuất hiện trong thế kỉ XXI khi những mặt hạn chế của nông nghiệp tập quán (hay còn gọi là nông nghiệp truyền thống) bắt đầu có những ảnh hưởng đáng kể lên cả con người và môi trường. Một nhà nông không thể giữ vững vị trí làm nông của mình trên thị trường khi mà chúng ta không thỏa mãn yêu cầu về cả kinh tế, năng suất và an toàn cho nhân loại, hệ sinh thái.

Nông nghiệp tập quán mặc dù mang lại năng suất cao, nhưng nó chỉ có ý nghĩa tối ưu vào nửa sau thế kỉ XX khi mà con người đang cần một nền nông nghiệp năng suất, còn khi thế kỉ XXI với công nghệ phát triển thì nhu cầu ấy còn bao gồm bảo vệ môi trường. Mà điều ấy thì chỉ có nông nghiệp xanh đáp ứng được.

Nông nghiệp xanh là động thái lâu dài cho chiến lược nông nghiệp bền vững, bởi nông nghiệp xanh không chỉ mang lại năng suất cao theo từng ngày với sức đầu tư lâu dài, mà còn không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống.

Hạn chế của nông nghiệp xanh

Về cơ bản, nền nông nghiệp xanh chưa có giới hạn cũng như hạn chế, vì đây chính là giải pháp tối ưu trước mắt của những người làm nông cũng như kinh doanh nông nghiệp. Nhưng thị trường sẽ có những hạn chế khiến hình thức nông nghiệp này chưa phát triển hết năng suất và được đầu tư đúng mức. Trong đó vấn đề lớn nhất phải kể đến chênh lệch thị trường và sự hạn chế trong quản lý cung - cầu và lợi nhuận.

Để dễ hình dung, bà con hãy phân tích chiều hướng sau. Khi một xu thế mới như nông nghiệp xanh xuất hiện, muốn mô hình ấy phát triển, đòi hỏi người sản xuất phải làm quen với mô hình ấy và đưa nó len lỏi vào nền sản xuất hiện có. Bên cạnh đó, các yếu tố đi kèm như tiềm lực công nghệ, giá thành thị trường… phải đủ để đáp ứng. Và cuối cùng mà không kém phần quan trọng, sự tiếp nhận của thị trường tiêu thụ. Yếu tố cơ bản đối với người tiêu dùng là ta phải đáp ứng được cái người ta cần.

Nông nghiệp xanh hiện nay tuy có thể thỏa mãn nhu cầu đến một mức nhất định, nhưng chưa đủ, bởi chính người nông dân cũng đang loay hoay với hình thức này và chưa làm tốt khâu thay đổi cơ cấu thị trường. Bằng chứng là nhiều người tiêu dùng cảm thấy mô hình nông nghiệp xanh chưa thực sự quen thuộc, dù hấp dẫn, nhưng giá thành - yếu tố quan trọng, lại không phù hợp.

Mô hình nông nghiệp xanh  

Nông nghiệp hữu cơ (organic farming), hiểu nôm na là không sử dụng những loại phân bón, hóa chất gây hại tới môi trường. Bên cạnh đó, những lựa chọn như thuốc trừ sâu cũng sẽ bị loại bỏ. Nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ đó là không phải mọi sâu bệnh, vấn đề của cây trồng đều xử lí bằng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất.

Một người làm nông nghiệp hữu cơ đúng cách là biết tận dụng mọi yếu tố môi trường kể cả sâu hại để biến nó thành có lợi cho cây trồng. Yêu cầu lâu dài của nông nghiệp hữu cơ đó là không chỉ khiến thực phẩm an toàn hơn mà còn khiến đất đai phì nhiêu, màu mỡ hơn nhờ hợp tác với tự nhiên, ngoài ra còn phải biết vận dụng các quy luật tự nhiên. Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thực ra lại rất đơn giản.

Một số kỹ thuật cần lưu ý

Để đất trồng thêm màu mỡ, bà con có thể áp dụng một số kỹ thuật truyền thống như sau: luân canh cây trồng, dùng cây họ đậu, canh tác đúng mùa vụ và có chừng mực, dùng các loại phân bón ủ tự nhiên từ phân động vật hoặc thực vật,… Nông nghiệp hữu cơ không phải là hoàn toàn vứt bỏ lối nông nghiệp truyền thống, mà là biết vận dụng, kết hợp và điều chỉnh phù hợp với hình thức mới.

Đất trồng là yếu tố cơ bản trong trồng trọt, đặc biệt là trong nông nghiệp hữu cơ. Ủ phân cho cây nên dùng các loại phân ủ tự nhiên để từ đó dễ dàng quản lý độ phì nhiêu của đất những lần canh tác sau. Trồng cây với mật độ vừa đủ, khoảng cách không quá gần để cây có không gian hấp thụ chất dinh dưỡng. Thực hiện các biện pháp chăm gốc để bảo vệ bề mặt đất, tạo ra nguồn vi sinh vật có lợi tự nhiên. Tận dụng những nguồn dinh dưỡng tự nhiên và loại bỏ các yếu tố nhân tạo.

Các loại phân bón hóa học sẽ có thể cung cấp dinh dưỡng kịp thời với lượng lớn nhưng sẽ không kích thích đất trồng phát triển chất lượng, cũng như khiến cây không có sức chống chọi với môi trường thực sự. Sử dụng chất hóa học quá nhiều sẽ khó mà rửa trôi chúng khỏi đất trồng, cũng như không tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển tốt.

Hãy trân trọng nguồn đạm tích lũy tự nhiên từ các quá trình phát triển của những cây họ đậu. Nhưng ngược lại, cũng nên chú ý liều lượng của những chất tự nhiên, quá lạm dụng chúng thì tác dụng ngược chúng đem lại có khi sẽ còn kinh khủng hơn các chất hóa học, phân bón nhân tạo. Hình thức luân canh là một lựa chọn ưu việt, ví dụ như xen kẽ nhiều loại cây trồng khác nhau, hoặc trồng xen lẫn các cây họ đậu, hoặc thả đất với bụi hoang.

Mục đích của phương pháp này là để đất trồng có thời gian tích lũy các chất dinh dưỡng, độ màu mỡ cần thiết. Một lựa chọn khác đó là phân xanh. Nguồn phân tự nhiên này không cần các quy trình phức tạp, đó có thể là các loại cây đảm bảo nguồn đạm cho cây hoặc để bảo vệ, che chở cây, không để các chất dinh dưỡng quan trọng bị rửa trôi, thất thoát. Có thể trồng trực tiếp các loại cây này trên đất hoặc ủ thành phân để bồi đắp cho đất.

Nguồn nước là yếu tố đáng lưu ý nhất. Có thể sẽ hơi khó khăn vào giai đoạn đầu khi người chăn nuôi còn chưa quen với việc giới hạn nguồn nước. Lời khuyên là người nông dân nên sử dụng các nguồn nước cung cấp tự nhiên và không sử dụng quá mức có thể cung cấp. Có thể áp dụng hình thức ruộng bậc thang, hệ thống tưới tiêu hợp lý, hoặc dùng các chất hữu cơ giữ nước cho đất.

Hạn chế sâu bệnh và tận dụng thiên địch. Hãy biết tận dụng các biện pháp tự nhiên. Thiên địch chính là yếu tố tự nhiên mang lại nhiều lợi ích nhất. Nhưng bên cạnh đó cũng nên lưu ý xử lý sâu bệnh kịp thời. Động vật nuôi song song cũng là một biện pháp giúp ích rất nhiều. Thức ăn cho vật nuôi cũng phải có nguồn gốc hữu cơ, đổi lại, các tập tính sinh hoạt của gia súc, vật nuôi sẽ giúp ích rất nhiều.  

Các kỹ thuật phổ biến trong cánh đồng mẫu lớn như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, dù canh tác trên đất trồng lớn nhưng cũng có xen canh hợp lý, không gây áp lực lên đất canh tác và môi trường. Hình thức nhánh nhỏ của mô hình này có thể kể đến ruộng lúa, bờ hoa, vừa phát triển nông nghiệp đa dụng, vừa tận dụng hoa để điều chỉnh nguồn nước và chất lượng đất, và cung cấp nguồn phân tự nhiên.

Kết hợp nuôi trồng thủy sản có thể mới lạ đối với một vài bà con. Đây là  sáng tạo từ mô hình nuôi trồng hữu cơ. Vật nuôi được chăn nuôi kết hợp chính là một hình thức hỗ trợ cho nông nghiệp xanh, và nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả đáng kể mà không hề phức tạp. Kỹ thuật nuôi sẽ phụ thuộc vào từng loại thủy sản, nhưng điểm chung đó là sự cân bằng. Sự cân bằng ở đây chính là phân tự nhiên. Các nguồn thực vật hữu cơ sẽ được tận dụng làm nguồn phân tự nhiên nuôi thủy sản, bằng cách chế biến thành thức ăn an toàn, hoặc bón vào ao, hồ, bè để nuôi cá, tôm,…

Ngược lại, các nguồn chất thải từ nuôi trồng thủy sản sẽ được chọn lọc hợp lý để đưa vào hệ thống nuôi trồng thực vật hữu cơ. Hình thức này khắc phục sự lãng phí đến mức tối đa, và không khó áp dụng. Câu chuyện tưởng chừng là cổ tích, nhưng lại là tương lai không xa của nền nông nghiệp hiện đại. Những mô hình nông nghiệp xanh trên vừa bảo đảm nguồn vốn thấp, lợi nhuận cao mà còn đảm bảo vị thế lâu dài, bền vững trên thị trường cho mỗi nhà nông./.

PV (Tổng hợp)