Nông lâm thủy sản xuất siêu 4,74 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 14,32 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất siêu ngành đạt được 4 tháng là 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%.
xuat-khau-nong-san-02-1714623157.jpg
Trong tháng 4, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023.(Ảnh minh họa)

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất

Trong tháng 4, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023; trong đó, nông sản chính 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%). Riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%). Tính chung 4 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu của ngành đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng.

Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 10,44 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lâm sản 5,18 tỷ USD, tăng 22,8%; thủy sản 2,68 tỷ USD, tăng 4,2%; chăn nuôi 152 triệu USD, tăng 3,6%.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7%; càphê 2,57 tỷ USD, tăng 57,9%; gạo 2,08 tỷ USD, tăng 36,5%; điều đạt 1,16 tỷ USD, tăng 21,2%; rau quả 1,8 tỷ USD, tăng 32,1%; tôm 937 triệu USD, tăng 5,9%.

xuat-khau-nong-san-01-1714623134.jpg
Thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức trong xuất khẩu nông sản từ nay tới cuối năm cũng không ít. (Ảnh minh họa)

Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng khá như gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; càphê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%; hạt tiêu 4.214 USD/tấn, tăng 36,4%. Riêng hạt điều 5.375 USD/tấn, giảm 8,4%; chè 1.632 USD/tấn, giảm 2%...

Về thị trường, giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi 332 triệu USD, tăng 33,3%.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.

Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản

Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Việc tận dụng các hiệp định thương mại (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức trong xuất khẩu nông sản cũng không ít. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc chưa khai thác hết thế mạnh về chế biến sâu, gây dựng thương hiệu, cũng như các yêu cầu về chất lượng vẫn đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù thời gian qua nông sản Việt đã có sự chuyển biến về chất lượng, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu, song đây vẫn là thách thức lớn để bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu.

“Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các doanh nghiệp giám sát, quản lý tốt quá trình sản xuất, cấp mã vùng, rà soát các tiêu chí, đáp ứng tiêu chuẩn từ nhiều thị trường lớn. Bộ cũng phân tích thị trường để có những chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng, tạo đột phá về xuất khẩu nông sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

xuat-khau-nong-san-03-1714623269.jpg
Nông sản Việt ngày càng mở rộng thị trường, thị phần quốc tế. (Ảnh minh họa)

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngay từ đầu năm 2024, toàn ngành đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Nông sản Việt ngày càng mở rộng thị trường, thị phần quốc tế. Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường này. Trong đó, thúc đẩy cơ chế “cửa khẩu thông minh” trong lưu thông hàng hoá.

Song song với duy trì các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU), trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu mở cửa những thị trường mới, còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là các nước Hồi giáo Halal, châu Phi… Đồng thời, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), nhất là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực. Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng./.

Bình Châu