Hồ đập cạn nước hàng nghìn hec ta lúa bị khô hạn, Sơn La khẩn trương ứng phó

Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hiện tại, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi tại Sơn La chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ; nguồn nước trên các sông, suối, khe suối đang tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Trước nguy cơ hàng nghìn ha lúa bị khô hạn và người dân thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Sơn La đã khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó.
nang-nong-kho-han-son-la-01-1712977072.jpg
Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hiện tại, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. (Ảnh minh họa)

Hồ đập vơi nước đe dọa diện tích lúa và cây ăn quả

Tỉnh Sơn La hiện có 110 hồ chứa nước, gần 2.700 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị, với diện tích 64.600 ha.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hiện tại, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ; nguồn nước trên các sông, suối, khe suối đang tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, đến thời điểm này, toàn tỉnh Sơn La có hơn 1.300 ha lúa xuân bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó, gần 300 ha lúa có khả năng bị hạn do không có nguồn bơm; gần 50 ha phải chuyển đổi sang cây trồng khác do không có khả năng thu hoạch. Cùng với đó, nhiều diện tích cây ăn quả cũng đang bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng quả do cạn kiệt nguồn nước tưới.

nang-nong-kho-han-son-la-02-1712977105.jpg
Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn lắp đặt đường ống tưới tiết kiệm cho diện tích trồng rau (Ảnh minh họa)

Theo dự báo, năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp; hiện tượng El Nino còn duy trì đến tháng 4/2024, với xác suất trên 90%, khả năng xảy ra hạn hán trên địa bàn tỉnh ở mức rất cao. Xu thế nhiệt độ trung bình cao hơn 1-1,5oC so với trung bình nhiều năm; lượng mưa giảm 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Sơn La là một trong những địa phương chịu tác động của hiện tượng El Nino làm lượng mưa giảm, cùng với các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Do đó, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát, sửa chữa các công trình thủy lợi, hồ chứa nước; kết hợp với việc tuyên truyền nhân dân các địa phương chủ động lấy nước, tích nước sớm trong sản xuất nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn nước, kịp thời khắc phục sự cố rò rỉ nước; vận hành hiệu quả các công trình cấp nước, công trình thủy lợi trong mùa khô năm nay.

Khẩn trương các biện pháp ứng phó khô hạn bảo vệ cây trồng

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề ra những giải pháp ứng phó với nắng hạn cụ thể, sát với thực tiễn. Theo đó, mỗi địa bàn, lĩnh vực, các cấp, các ngành phải chủ động cập nhật, nắm bắt đặc điểm, tình hình khí tượng, thủy văn, xu thế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đối với những địa phương thường xuyên có mức nhiệt độ cao, như: Mường La, Phù Yên, Yên Châu và Sông Mã cần rà soát, ước lượng khả năng cấp nước của các hồ chứa. Xây dựng kế hoạch, phương án khả thi trong điều tiết nguồn nước từ các công trình thủy lợi, chủ động sửa chữa bảo đảm khả năng cung cấp nước ổn định của hệ thống thủy lợi vào mùa khô.

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, cho hay: Hiện nay, mới là thời điểm đầu của đợt nắng nóng, lượng nước tích trữ ở các hồ chứa trên địa bàn huyện vẫn đạt mức cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Song, để chủ động các biện pháp chống hạn, đảm bảo nguồn nước lâu dài. Phòng đã phối hợp với các phòng, ban của huyện tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các tổ thủy nông sửa chữa, nạo vét mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước; rà soát, thống kê diện tích cây trồng có khả năng bị hạn cao để chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân kịp thời bổ sung nước tưới.

nang-nong-kho-han-son-la-03-1712977057.jpg
Người dân huyện Phù Yên làm cỏ và khơi thông khu vực mương dẫn nước nội đồng để đưa nước bảo vệ cây trồng. (Ảnh minh họa)

Nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu phụ thuộc vào nước nước ngầm, nước suối, cùng một số hồ thủy lợi có dung tích lớn. Do đó, công tác tuyên truyền hướng dẫn nhân dân sử dụng tiết kiệm nước luôn được các địa phương triển khai thực hiện.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.000 công trình cấp nước tập trung, đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, ban quản lý các công trình thông báo giờ cấp nước cho từng khu vực, giúp nhân dân chủ động lấy nước, tránh đông người cùng lấy nước 1 thời điểm, gây ra quá tải cho hệ thống cấp nước.

Nhằm chủ động ứng phó với nắng hạn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Sơn La đang chỉ đạo chi nhánh thủy lợi các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, ban quản lý các bản, tổ thủy lợi chủ động điều tiết nước tưới; triển khai nạo vét kênh mương, đầu mối lấy nước, làm thêm guồng nước để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất… Cùng với đó là khuyến cáo người dân sử dụng những biện pháp tưới nước tiết kiệm, đảm bảo nguồn nước chống hạn phục vụ sản xuất hiệu quả./.

Bình Châu