Qua tìm hiểu được biết, tình trạng khô hạn diễn ra từ khoảng tháng 12/2024 cho đến nay. Do không có mưa nên nguồn nước suối cung cấp cho các bể nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) của người dân huyện Đam Rông bị thiếu hụt.

Tại xã Rô Men - địa phương có diện tích bể nuôi cá tầm nhiều nhất Đam Rông nhưng hiện chỉ có một con suối cung cấp nước sạch cho người dân nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn kéo dài đã khiến nguồn nước giảm mạnh, nhiều hộ dân phải đóng cửa bể nuôi hoặc chuyển cá giống đến trang trại ở địa phương khác.
Ông Nông Mạnh Cường, một trong những hộ nuôi cá tầm diện tích lớn ở xã Rô Men, Đam Rông, cho biết gia đình ông có 18 bể nuôi cá tầm nhưng hiện tại do nguồn nước khan hiếm, phải tạm đóng cửa 10 bể nuôi trong thời gian qua. Dự báo tình trạng khô hạn còn kéo dài đến khoảng tháng 4 nên ông Cường rất lo lắng đối với những bể nuôi cá tầm còn lại.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Rô Men, nghề nuôi cá nước lạnh tại địa phương phát triển mạnh trong những năm gần đây. Thống kê toàn xã có khoảng 61 hộ, công ty, hợp tác xã nuôi cá tầm với tổng 7 ha mặt nước.

Hiện nay do vào mùa khô, nguồn nước sụt giảm nên địa phương khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích nuôi, giảm sản lượng cá thương phẩm hoặc chuyển trang trại qua nuôi các loại thuỷ sản khác để đảm bảo an toàn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn tìm các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nguồn nước trong việc phát triển cá nước lạnh, tránh thiệt hại do khô hạn.
Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đam Rông, toàn huyện hiện có 15 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, lớn nhất tỉnh Lâm Đồng và cả Tây Nguyên. Diện tích nuôi cá tầm tập trung tại xã Rô Men, Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long và Liêng Srônh.
Với năng suất bình quân 70 tấn/ha/năm, cá tầm đem về thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân địa phương. Để nâng cao hiệu quả nuôi cá tầm, nhiều hộ áp dụng mô hình công nghệ cao với bể xi măng, hệ thống nước chảy tự động và lưới che phủ, giúp năng suất đạt trên 70 tấn/ha.
Các sản phẩm cá tầm từ Đam Rông đã có mặt ở các thị trường lớn trong nước và thậm chí xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu cá tầm Tây Nguyên.

Huyện Đam Rông đặt mục tiêu nâng diện tích nuôi cá tầm lên trên 50ha vào năm 2030, với sản lượng đạt 8.000-10.000 tấn/năm, trở thành trung tâm nuôi cá nước lạnh lớn nhất Tây Nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi cá tầm ở Đam Rông cũng đối mặt với những khó khăn. Không chỉ gặp do do tình trạng khô hạn, hiện nay vấn đề nuôi cá nước lạnh tự phát, không theo quy hoạch và định hướng phát triển của cơ quan quản lý nhà nước cũng gây ra nhiều hệ lụy.
Để ngành nuôi cá nước lạnh ở huyện Đam Rông phát triển quy mô, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trên vùng đất khó, nhiều ý kiến cho rằng đòi hỏi phải có quy hoạch vùng nuôi thủy sản bài bản gắn với việc đầu tư hạ tầng bền vững./.