Khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ để ứng phó với khô hạn

Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 285.000 ha, phấn đấu sản lượng thu hoạch đạt hơn 2 triệu tấn lúa. Đến nay, nông dân xuống giống hơn 25.000 ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Châu Thành.
dsc-3685-1637059378.jpg
Khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ để ứng phó với khô hạn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đúng lịch thời vụ, gieo sạ cụ thể cho từng khu vực, từng tiểu vùng theo hướng tập trung, đồng loạt, né rầy. Tỉnh khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ để ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại, tạo thuận lợi cho quản lý, bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh đã gieo sạ đợt 1 (từ ngày 20 - 30/10) vùng ngập lũ không sâu, lũ rút sớm, gồm một phần các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Giang Thành, Hòn Đất và vùng ven sống Cái Bé, Cái Lớn của hai huyện Châu Thành, Gò Quao.

Tiếp đến, đợt 2 (từ ngày 20 - 30/11) gieo sạ tập trung của tỉnh, bao gồm phần lớn diện tích các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương và Thành phố Rạch Giá. Hiện nay, nông dân các địa phương này khẩn trương làm đất để gieo sạ. Còn lại đợt 3 (từ ngày 20 - 30/12), xuống giống dứt điểm diện tích còn lại ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, để chủ động điều tiết nguồn nước, hạn chế thiếu nước, đơn vị chức năng tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi trên các địa bàn phù hợp theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực nhằm đảo bảo nguồn nước cho sản xuất.

Sở theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, triển khai thực hiện tốt việc ngăn mặn, giữ ngọt trên các vùng sản xuất trọng điểm, nhất là phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, kháng sâu bệnh, khả năng chống chịu hạn mặn, năng suất cao, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… để gieo trồng. Định hướng và hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và xuất khẩu, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, hướng dẫn và kết hợp với nông dân nâng cao hiệu quả trong điều tra phát hiện dịch hại, dự đoán, dự báo tình hình dịch bệnh gây hại chính xác, kịp thời và diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng… để xử lý nhanh chóng, phòng trị hiệu quả.