Nỗ lực bảo vệ vùng cây đặc sản sầu riêng trong bủa vây hạn mặn

Nhờ áp dụng đồng bộ, hiệu quả giải pháp công trình và phi công trình, cụ thể hóa mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nên dù hạn mặn đang diễn biến khó lường nhưng vùng trái cây đặc sản sầu riêng của tỉnh Tiền Giang vẫn được bảo vệ an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
chong-han-man-vuon-sau-rieng-3-1733188481.jpg
Rút kinh nghiệm từ mùa khô hạn các năm trước, năm nay chính quyền và người dân vùng trồng cây sầu riêng ở Tiền Giang đã chủ động phòng, chống hạn mặn. (Ảnh minh họa)

Khẩn trương ứng phó hạn mặn bảo vệ vườn sầu riêng

Sầu riêng là cây trồng mẫn cảm với độ mặn trong nước. Nếu như đối với một số cây trồng khác không được tưới nước khi nồng độ mặn trên 1‰, riêng với sầu riêng độ mặn phải dưới 0,5‰ mới dùng để tưới được cho cây.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, mùa mưa năm nay trên địa bàn tỉnh đã kết thúc vào cuối tháng 11 vừa qua. Mùa khô năm nay, dự đoán nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn mức trung bình hàng năm và thấp hơn mùa khô năm 2023 - 2024, có thời điểm tương đương mùa khô năm ngoái. Dự kiến, cuối tháng 12 này, nước mặn từ 1-2 phần nghìn sẽ xâm nhập cách cửa sông trên 20km và bắt đầu tăng lên theo triều.

Rút kinh nghiệm từ mùa khô hạn các năm trước, năm nay chính quyền và người dân vùng trồng cây sầu riêng đã chủ động phòng, chống hạn mặn. Ngay từ mùa mưa đã triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét các tuyến kênh nhỏ, bồi lắng, gia cố hệ thống cống, bọng đảm bảo chức năng ngăn, trữ nước. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, người dân còn tự nguyện đóng góp kinh phí để ứng phó với hạn mặn.

chong-han-man-vuon-sau-rieng-2-1733188531.jpg
Nhà vườn Tiền Giang đào ao lót bạt nhựa HDPE trữ nước ngọt dùng để tưới cây trong mùa khô nhằm bảo vệ vườn sầu riêng.(Ảnh minh họa)

Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chuyên môn đến nay người trồng cây sầu riêng đã nắm vững các biện pháp, phương pháp phòng chống thiên tai theo hướng công trình và phi công trình. Bởi cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn, khi độ mặn hơn 0,5% phần nghìn là đã gây thiệt hại đến cây. Do đó, hiện nay công tác bảo vệ vườn cây được nhà vườn đặc biệt quan tâm.

Xã Phú An, huyện Cai Lậy có 800 ha cây sầu riêng chuyên canh. Ở thời điểm này, địa phương có khoảng 400 ha được nhà vườn xử lý cho trái. Chính quyền và nhân dân xã đang khẩn trương ứng phó với thiên tai.

Ông Lý Thái Trường, Bí thư Đảng ủy xã Phú An, huyện Cai Lậy cho biết: “Đối với người dân thực hiện ngay biện pháp dọn cỏ, dọn lục bình khai thông dòng chảy, nạo vét mương vườn thật sâu để trữ lượng nước ngọt cho nhiều. Về phía nhà nước thì đã đề nghị về huyện để nạo vét kinh nội đồng, khai thông dòng chảy, tạo sâu, thông thoáng để trữ nước. Đồng thời vận động người dân đối với cặp tuyến bờ Đông, bờ Tây sông Phú An đối với các kênh do dân quản lý sửa chữa lại các ống bọng, nắp bọng, phía trong phía ngoài để khi có mặn đến kịp đóng bên ngoài để mặn không vào và bên trong để trữ lượng nước ngọt lại”.

Phát huy vai trò hệ thống thủy lợi bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, để ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2023 - 2024 dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, từ nguồn ngân sách địa phương, Tiền Giang đầu tư 580,4 tỷ đồng làm 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U, Cây Còng, Hai Tân, Cái Sơn. Về phía Trung ương hỗ trợ đầu tư 582 tỷ đồng làm cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đã đầu tư 20,5 tỷ đồng nạo vét 144 tuyến kênh trữ ngọt trong nội đồng.

Các công trình thủy lợi kể trên đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô 2023 – 2024, góp phần bảo đảm sản xuất, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản mà đặc biệt là vùng chuyên canh sầu riêng giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang.

Đầu mùa khô 2023 - 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn phối hợp cùng Viện Cây ăn quả Miền Nam và các ngành hữu quan tổ chức Hội thảo “Giải pháp ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn cho vùng cây ăn trái mùa khô 2023 - 2024” thu hút đông đảo nông dân vùng chuyên canh.

Qua hội thảo nhằm nâng cao trình độ canh tác bà con, khuyến cáo nông dân áp dụng những biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc trung vi lượng tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ tủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm…

chong-han-man-vuon-sau-rieng-1-1733188575.jpg
Nông dân xã Long Tiên (Cai Lậy, Tiền Giang) áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong mùa khô 2023 - 2024. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ cách ứng phó hữu hiệu trước thiên tai hạn mặn trong mùa khô 2023 - 2024, ông Huỳnh Văn Sẵn (xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) canh tác 7.000 m2 sầu riêng giống Ri6 và Monthong chất lượng cao cho biết, nhờ tiếp thu kiến thức từ các buổi tập huấn, hội thảo chăm sóc vườn cây đầu mùa khô do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất, ông đã bảo vệ tốt vườn cây của mình.

Theo ông Sẵn, trong mùa khô hạn khốc liệt như năm 2024, nông dân cần chú trọng giữ ẩm cho vườn quả bằng cách để cỏ trong vườn, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, sử dụng các chế phẩm sinh học dưỡng rễ, bón lân và các phân bón nguồn gốc hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng như bù đắp đủ dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt, vào đầu mùa khô phải chú ý nạo vét kênh mương, nhất là các ao mương trong vườn trữ nước ngọt tưới tiêu.

Theo đánh giá, nhờ áp dụng đồng bộ, hiệu quả giải pháp công trình và phi công trình, cụ thể hóa mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nên dù hạn mặn diễn biến khó lường nhưng không gây nhiều thiệt hại cho các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh Tiền Giang; trong đó, có sầu riêng. Tại vùng chuyên canh sầu riêng, tình hình sản xuất và đời sống nhân dân ổn định. Nhiều hộ dân bội thu nhờ có thu hoạch bán được giá cao. Bà con an tâm tổ chức sản xuất, thâm canh thích ứng hạn mặn để phát triển bền vững trong mùa khô 2024 và các năm tiếp theo./.

Bình Nguyên