Ninh Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 10 - 11%

Mặc dù bối cảnh phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng bước sang năm mới 2022, Ninh Thuận kỳ vọng và quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 10-11%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 78-79 triệu/người.

Cơ cấu kinh tế nông-lâm- thủy sản chiếm từ 27-28%; công nghiệp-xây dựng chiếm từ 40-41%; dịch vụ chiếm từ 32-33%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 30.000-30.500 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra phương châm là: “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả”. Theo đó, nhiệm vụ tỉnh phải thực hiện là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế với lộ trình từng bước, chặt chẽ, khả thi, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

unnamed-1-1639108566.jpg
Chợ Phan Rang. Ảnh minh họa

Ông Trần Quốc Nam cho biết, xác định tiềm năng, lợi thế các ngành còn dư địa, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tiếp tục tạo đột phá phát triển, tạo động lực cho tăng trưởng trong năm 2022. Cụ thể, tỉnh mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp có điều kiện thuận lợi từ nước tưới, phấn đấu giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước tưới đạt 137 triệu đồng/ha; đầu tư hoàn thành 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao tôm giống và rau an toàn An Hải, xúc tiến kêu gọi đầu tư vùng nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn-Phước Nhơn…

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu hoàn thành và triển khai hiệu quả Đề án phát triển tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước; tập trung triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã có trong Quy hoạch điều chỉnh điện VII, phấn đấu năm 2022 hoàn thành hòa lưới 471 MW và khởi công 699 MW; hoàn thành dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná (1.500 MW giai đoạn 1) và khu công nghiệp Cà Ná; thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, phục hồi các ngành sản xuất công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, may mặc, khai khoáng; phục hồi và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch theo lộ trình, từng bước phục hồi đưa hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh để thúc đẩy đầu tư, tạo tăng trưởng cho ngành xây dựng nhất là dự án giao thông trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh như thủy lợi, đô thị, du lịch...

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, thuế…. Song song với đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh trên các lĩnh vực du lịch, đô thị, cảng biển, năng lượng tái tạo...

Đồng thời, ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu, triển khai dự án công nghiệp chế biến và hóa chất sau muối…

Ông Trần Quốc Nam cho biết thêm, để tạo đòn bẩy phát triển, tỉnh cố gắng phát huy, thu hút nguồn lực, nhất là tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường công tác quản lý và huy động tốt nhất nguồn lực đất đai, nguồn lực các thành phần kinh tế để khai thác hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Mặc dù khó khăn do dịch COVID-19, cùng với các chính sách giá điện mặt trời chậm được ban hành, nguồn lực đầu tư công giảm mạnh, các Chương trình mục tiêu Quốc gia chậm phân bổ đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận vẫn có những “gam màu sáng”, có điều kiện để bứt phát trong năm 2022.

Điểm nhấn rõ nét trong năm 2021 là, Ninh Thuận đã có 7/13 chỉ tiêu chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 9%; trong đó, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 31,9%, công nghiệp-xây dựng chiếm 38,2%.../.