Ninh Bình: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tiểu vùng đồi núi bán sơn địa

Vùng đồi núi bán sơn địa của tỉnh Ninh Bình nằm trên địa bàn 41 xã của 04 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Yên Mô.

Toàn vùng có diện tích đất trồng trọt (rau, cây ăn quả) đạt 3.967 ha, đất lâm nghiệp đạt 24.172,6 ha, tổng đàn trâu bò 893 con, đàn lợn 97.177 con, đàn gia cầm đạt 1,4 triệu con. Do đặc điểm địa hành đồi núi bán sơn địa nên thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng, trồng cây dược liệu, rau quả và chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê) địa hình đồi núi, thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, rau quả, dược liệu…

nb-1673309282.jpg
Mô hình trồng Thanh long tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan

Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực của khu vực này khoảng 7.500 ha rau quả, 24.173 ha rừng, 27.893 con trâu bò, 97.177 con lợn, 1,4 triệu gia cầm. Các sản phẩm chủ lực bao gồm: Rau quả, trâu bò, lợn, gia cầm, môi trường rừng. Các sản phẩm đặc sản vùng đồi núi bán sơn địa gồm: Lợn địa phương, gà đồi, gà Cúc Phương, dê, nhung hươu, mật ong rừng, đào phai, khoai sọ…

Vùng đồi núi bán sơn địa cũng thuận lợi để phát triển sản xuất rau, quả và dược liệu: Một số cây dược liệu như diệp hạ châu, cà gai leo, thanh hao hoa vàng, kim ngân hoa, trà hoa vàng, ba kích... có tính dược cao. Đã có một số HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, khai thác, chế biến như HTX Sinh Dược tại xã Gia Sinh huyện Gia Viễn, Công ty Vũ Gia sản xuất trà hoa vàng tại huyện Nho Quan. Đối với diện tích đồi lớn, độ dốc không lớn, thuận lợi phát triển một số cây công nghiệp ngắn ngày như sắn, mía; cây đặc sản như chè xanh (chè Trại Quang Sỏi), chè búp, dứa, sắn dây, cây đào phai. Tại đây cũng đã hình thành được vùng trồng cây ăn quả tập trung như bưởi, ổi, na, dứa; hình thành các HTX như: HTX Bưởi da xanh Tam Điệp, HTX nông sản Phú Long,…

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo, phát huy hiệu quả địa hình Vùng đồi núi bán sơn địa, từng bước phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn, cách biệt với khu dân cư như: Vùng chăn nuôi lợn gia công xã Gia Thanh, Gia Hòa, huyện Gia Viễn và vùng chăn nuôi lợn xã Phú Long, huyện Nho Quan. Vùng chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp tại các xã Yên Quang, Thạch Bình, Phú Sơn, Xích Thổ, huyện Nho Quan. Quy mô chăn nuôi trung bình ở mỗi vùng này từ 0,5-1 nghìn lợn nái, 5-10 nghìn lợn thịt có mặt thường xuyên, sản lượng thịt từ 1,2-2,5 nghìn tấn thịt lợn hơi. Các vùng chăn nuôi gà tập trung đã được hình thành và phát triển bền vững, trở thành nghề chính của người nông dân, như vùng chăn nuôi gà đẻ trứng xã Gia Lâm, huyện Nho Quan quy mô 40 nghìn con, các vùng chăn nuôi gà thịt gắn với điều kiện chăn thả như Tổ hợp tác chăn nuôi gà Đông Tảo xã Đồng Phong, quy mô 40 nghìn con; HTX chăn nuôi gà Đông Tảo xã Gia Sơn, quy mô 20 nghìn con.

Các địa phương thuộc thuộc vùng đồi núi bán sơn địa đã tạo ra được nhiều sản phẩm đặc sản như: Lợn bản địa, dê, hươu... đã bước đầu hình thành các trang Trại chăn nuôi lợn bản địa quy mô vừa theo hình thức chăn nuôi hướng hữu cơ, hướng tuần hoàn, chuồng trại nằm cách xa khu dân cư, trên diện tích 11 khuôn viên rộng lớn, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học bảo vệ môi trường và tận dụng được nguồn chất thải hữu cơ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi như: Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ S-Garden ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn; công ty TNHH Trang Ninh nuôi lợn Táp ná quy mô 60 lợn nái, 500 lợn thịt ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan tạo nên nguồn sản phẩm hướng hữu cơ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các phân khúc thị trường.

Các khu vực, cơ sở chăn nuôi dê quy mô tập trung theo hình thức tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đã hình thành và phát triển như: Cơ sở chăn nuôi dê sữa, dê giống tập trung của công ty Cổ phần giống vật nuôi, cây trồng Đồng Giao, quy mô 1.000 dê sữa ngoại Sannel, Alpin; Các vùng, khu vực chăn nuôi hươu lấy nhung rất hiệu quả ở các xã Phú Long, quy mô 500 con; xã Cúc Phương, quy mô 1.000 hươu lấy nhung...; Mô hình cho giá trị cao là: Khoai sọ ở xã Yên Quang huyện Nho Quan cho thu nhập 150 triệu đồng/ha; Ngoài ra có một số đặc sản khác như: Bùi kỳ lão huyện Nho Quan, Khoai lang lim, nem chua Yên Mạc, rau má, bí nụ, rau mầm rau rút, rau cần, chạch sụn của một số xã của huyện Yên Mô.

Bám sát mục tiêu, định hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở tiểu vùng kinh tế đã được xác định, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đang tích cực nghiên cứu để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp để đạt mục tiêu đề ra; xây dựng kế hoạch cho từng loại sản phẩm chủ lực, đặc sản, thực hiện những dự án đối với các sản phẩm chủ lực và mô hình với các sản phẩm đặc sản để làm cơ sở, tạo sức lan tỏa nhân ra diện rộng./.

Trần Huyền