Quê tôi vừa trải qua một đợt rét hiếm thấy trong nhiều năm qua. Những quả Cọ cuối cùng của mùa cọ năm nay đã được người ta đem ra chợ bán, giá của nó bằng giá của những con cá Rô phi... Có cô làm nghề bán cá ao nhà đã phải thốt lên rằng: sang năm vào mùa quả Cọ sẽ không đi bán cá nữa và sẽ đi buôn quả Cọ, vừa không phải nước nôi, bình sục khí mà lai có tiền nhiều hơn, lãi hơn... Cô ta còn tự trách: mình thật là dốt!
Quả thật năm nay có nhiều đợt rét. Đợt vừa rồi là rét đậm rét hại dài nhất, tác động đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nhiều nhất. Vùng cao nước đóng băng, rau cỏ, hoa màu, trâu bò chết rét... trẻ em đã bị nghỉ học do Côvit - 19 nay còn nghỉ tránh rét.
Quê tôi vừa cấy lúa chiêm - xuân xong thì cái rét chết người ập đến. Bây giờ người ta cấy bằng mạ xúc, rồi mạ ném nên cũng rất nhanh. Mồng Bốn tết cả làng tôi rầm rầm tiếng máy cày, bừa làm đất... Có người nói đùa: muốn nghỉ chơi thêm một hai ngày nữa cũng không được, người ta xuống đồng hết rồi, ngồi nhà "nóng như lửa"...
Khi đợt rét này kéo đến thì cơ bản ruộng lúa đã cấy xong. Trên đường đi thể dục tôi gặp cái chị "nóng như lửa" hỏi đùa: giờ mát tý nào chưa, chị ta cười: hết nóng ruộng rồi, bây giờ nóng ngô, nóng lạc bác ạ. Tôi lại trêu: quả Cọ sai nhiều chưa chắc hết nóng về ruộng đâu nhé, coi chừng... Chị ta bảo: bọn em lo cả rồi. Mạ đúng tuổi và cấy kiểu bây giờ cũng ít chết, có chết là chết từ còn là mạ cơ, còn đã xuống ruộng rồi thì yên tâm, mà mạ chúng em vẫn còn mà, vô tư đi!
Những ngày rét đậm vừa qua lúa quê tôi đã cấy được gần chục ngày, hầu như không chết. Như mọi ngày, tôi mặc áo thật ấm và đi bộ thể dục và bắt gặp trên ruộng mạ còn gần như nguyên vẹn có một số người đang nhổ mạ. Tôi chột dạ: thôi ở đâu lúa bị chết rồi. Tôi vạch khẩu trang hỏi thì không thấy ai thưa.
Nhìn cung cách họ lấy mạ cũng khang khác. Họ lấy lạt buộc mạ thành bó, nhẹ nhàng rũ đất cẩn thận. Mưa bụi, sương mù ập đến, gió lạnh thổi hun hút. Tôi tiếp tục hành trình, mở điện thoại những bài hát về vùng cao Tây Bắc, vừa đi vừa vung vẩy tay theo nhịp điệu bài hát: Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời. Tối về tôi cứ nghĩ mãi về những người lấy mạ chiều nay.
Ngày hôm sau, nơi luống mạ của đứa cháu tôi có mấy người đến nhổ mạ. Họ mặc quần áo kín mít. Có người mặc áo dáng như đứa cháu nhà tôi. Tôi nghĩ bụng: nhà này hôm nọ hai vợ chồng tranh thủ cấy đến tận lúc những bóng điện thắp trên đường đã được bật sáng, có lẽ vì thế mà lúa chết chăng.
Tôi thủng thẳng đi gần họ thì hình như không phải người quen. Một lúc sau thấy họ dùng điện thoại nói to mới biết chính xác là không phải người làng tôi. Tiếng họ thánh thót nhanh như chim hót. Tôi hiểu họ đang gọi nhau. Một người đàn ông đi xe máy vừa đi vừa như dò thông tin vụt đi qua nơi những người ở ruộng mạ, tôi vẫy anh ta quay lại và chỉ về phía mấy người nhổ mạ.
Thế mà đúng. Họ mừng rỡ gặp nhau và tiếp tục nhổ mạ một cách nhẹ nhàng, nâng niu. Nhìn cách lấy mạ ấy tôi biết là họ nâng niu chân trọng những cây mạ biết nhường nào. Tôi lại gần và hỏi sự tình, thì họ cho biết là trận rét đậm đã làm cho mạ của họ bị chết, hỏng. Ruộng đã bừa xong nhưng không đủ mạ cấy. Có nhà còn hẳn một thửa chưa cấy tý nào, có nhà thiếu một ít nữa... phải đi xin mạ về cấy và dặm.
Tôi hỏi địa phương nào thì họ cho biết là ở Thôn Lùng Vi xã Nà Khương. Tôi hỏi thế Già Nàng, Nà Pẻng, Nà Béng, Khản Nhờ... các thôn đó thế nào. Họ nói cũng như Lùng Vi. Vậy là Nà Khương đang chạy đua với thời gian để có một vụ lúa thắng lợi đầy thử thách này. Trời đã về trưa, tôi dẫn một anh đi theo và chỉ cho anh những nơi còn mạ để họ xem có dùng được không.
Chỗ mạ gần nhà tôi đã được bó cẩn thận. Họ cảm ơn tôi và lục tục chuyển mạ lên xe máy. Về nhé các em, ruộng lúa đang chờ đợi. Tôi nhìn theo họ mà lòng thầm mong cho họ, cho Lùng Vi, cho Nà Khương vượt qua khó khăn có được một vụ lúa bội thu. Miền núi quê tôi là thế, sẻ chia nhau từng dảnh mạ non/.