Những mối tình nảy mầm từ trong lửa đạn

Họ là những chàng trai, cô gái đôi mươi của một thời “cả nước đều ra trận” để giành lại độc lập cho dân tộc. Đi qua chiến tranh, những mối tình ươm mầm trong lửa đạn trở thành những mối tình vượt thời gian...
stt-nguoi-linh-nhung-cau-noi-hay-ve-tinh-yeu-nguoi-linh-1-1658813678.jpg
Ảnh minh họa

Lính “gặp” lính!

Ngồi trước mặt chúng tôi là ông Phạm Trung Hải (quê Quảng Nam), một lão thành cách mạng. Kể về chuyện tình của mình, ông vẫn thấy… khó nói. Rong ruổi khắp các chiến trường, ông miệt mài tay súng, chiến đấu và... chiến đấu, đến khi nhìn lại tuổi đã ngoài 40 nhưng ông vẫn là “lính phòng không”. Năm 1969, ông Hải được điều về làm Huyện đội trưởng Huyện đội 40 ở Đăk Glei. Tại đây, “chú bộ đội” Hải được người con gái dân tộc Giẻ Triêng tên Y Nảy đem lòng yêu thương…

Thấm thoát đã gần 50 năm họ chung sống với nhau bằng một tình yêu chân thành. Hạnh phúc tràn ngập khi những đứa con mạnh khỏe, chăm ngoan ra đời. Ông Hải bộc bạch: “Tôi là người may mắn vì đã đã gặp được bà ấy. Bà ấy là hạnh phúc của đời tôi”. Ngôi nhà khang trang, đầm ấm đã minh chứng lời ông.

Cũng được một sơn nữ Giẻ Triêng đem lòng yêu thương, nhưng chuyện tình của ông Trần Đình Minh, quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lại rất lãng mạn. Cha mẹ chết sớm, Minh sống với người bác họ. Năm 1963, bất chấp lời ra tiếng vào của bà con dòng họ và cả chính quyền địa phương (vì Minh là con một), chàng trai trẻ Trần Đình Minh vẫn cắt máu viết đơn tình nguyện đi chiến đấu. Bước chân người lính trẻ ngang dọc khắp núi rừng Tây Nguyên, những trận đánh tiếp nối những trận đánh, sau đó anh trở về địa phương. Tại đây, Minh đã gặp nữ chiến sĩ Y Mười (thuộc đơn vị vận tải). Họ đem lòng yêu thương. Rồi đám cưới được tổ chức đúng vào ngày 30 tết năm 1974 giữa cao nguyên đại ngàn. Bên nhau chỉ vài ngày, đôi bạn trẻ lại khoác ba lô lên đường giải phóng thị xã Kon Tum.

Câu chuyện tình của đôi vợ chồng Nguyễn Chí Kiệm và người con gái Xê Đăng tên Y Bom cũng cảm động không kém. 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Chí Kiệm rời quê Thanh Chương, Nghệ An lên đường nhập ngũ. Đơn vị của anh là Tiểu đoàn 270, năm 1963, anh đã có mặt tại chiến trường Bắc Tây Nguyên. Bộ đội cụ Hồ đi đến đâu cũng đều được người dân địa phương yêu thương, giúp đỡ. Các cô gái Xê Đăng thường lui tới nơi các anh đóng quân, lúc thì nắm rau rừng, gùi măng le, khi thì con cá, nắm gạo. Cô du kích Y Bom (ở làng Văng Tó, xã Đăk Ui) đã đem lòng thương anh từ đó.

Sau này, Y Bom được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và được đơn vị cử đi học. Như là duyên định, Y Bom trở thành trợ lý dân quân của Huyện đội H16 - đại đội của Nguyễn Chí Kiệm đang công tác. Lúc này anh đã là chính trị viên đại đội. Năm 1973, trước sự chứng kiến của anh em chiến sĩ, đôi bạn trẻ đã tổ chức lễ cưới, thật đơn giản nhưng đầm ấm. Ngồi nhớ lại những tháng ngày đã qua, Nguyễn Chí Kiệm cười thẹn thùng: “Không có sự khác biệt nào có thể ngăn cản được tình yêu chân thành”!

Đó là một trong những mối tình quân nhân vượt thời gian, là nét đẹp kiêu hùng qua một thời đạn lửa. Có thể kể đến những mối tình đẹp như vợ chồng ông Nguyễn Văn Hào và Y Ngăn, ông Lành và Y Xã, ông Lực và Y Đức, ông Khương và Y Ó, ông Anh và Y Vinh, ông Tích và Y Ngõ, ông Cường và Y Gái…

Làng quân nhân hôm nay

Lâu dần thành quen, cái tên “Làng quân nhân” được người dân xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà gọi thay cho tên thôn 8. Ngày đất nước hòa bình, 18 đôi vợ chồng quân nhân quyết định ở lại mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên để lập nghiệp. Mảnh đất bên bờ hồ Mùa Xuân đầy bom đạn giờ đã thay da đổi thịt, có thể cung cấp nước tưới cho cả vùng quê trù phú Đăk Ui. Đất lành, chim đậu - các cựu chiến binh quê miền Bắc, miền Trung cùng về đây lập nghiệp, đã tạo nên dáng vóc cho một “Làng quân nhân” hôm nay. Trưởng thôn Lê Văn Cử cho biết: “Làng quân nhân hiện có 164 hộ với gần 700 nhân khẩu, đa phần là các cựu chiến binh và người thân của họ”.

Vùng đất Đăk Ui ngày một thêm xanh, kinh tế các hộ gia đình tại làng quân nhân cũng ngày càng khá giả. Những mái ấm gia đình của các cựu binh sống rất hạnh phúc, con cháu đề huề. Trò chuyện với chúng tôi, các bà Y Mười, Y Bom, Y Ngăn cứ tấm tắc khen: “Các anh bộ đội cụ Hồ, các chàng trai người Kinh rất đáng yêu và tuyệt vời. Chưa bao giờ trong gia đình chúng tôi xảy ra chuyện xô xát, thậm chí còn không to tiếng với nhau”. Hầu hết con em ở làng quân nhân đều được quan tâm học hành tử tế. Gia đình nào cũng có đông con, nhiều cháu, như gia đình ông Kiệm - bà Y Bom có tới 10 người con, hiện đã có 4 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có công việc làm ổn định.

Trưởng thôn Lê văn Cử phấn khởi cho biết thêm, làng quân nhân là lá cờ đầu trong các phong trào hoạt động của xã Đăk Ui, nhất là về phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện làng không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm trên 40%... Cuộc sống mới đang đâm chồi nảy lộc, những mối tình quân nhân ở đại ngàn Tây Nguyên mãi son sắt với thời gian, ngày càng bền chặt, thủy chung như tấm lòng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên./.