Những kiến thức cơ bản về Quy trình chứng nhận OCOP

OCOP (One commune one product) có thể hiểu nghĩa tiếng việt là “Mỗi xã (phường) một sản phẩm”. Cụ thể hơn là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.
197d6153757t17796l0-1679922501.jpg
Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh và đưa nó thành sản phẩm OCOP

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Lợi ích của chương trình OCOP

Chương trình OCOP đã và đang đóng một vai trò quan trọng và mang ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Đối với người sản xuất

Nâng cao thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao mức sống và giảm thiểu tình trạng đói nghèo cùng mức thu nhập bấp bênh. Tạo ra hướng đi mới cho người nông dân, thâm nhập vào thị trường 1 cách mới mẻ và thay đổi dần cách canh tác truyền thống đã có phần kém hiệu quả.

Đối với phát triển kinh tế - xã hội

Tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các mặt hàng truyền thống; tạo điều kiện có các sản phẩm truyền thống tiếp cận được với các thị trường lớn hơn; đặc biệt là thị trường nước ngoài khó tính. Từ đó góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Tạo công việc ổn định cho người dân, cân bằng tỉ lệ dân số ở thành thị và nông thôn, giảm thiểu việc di cư từ nông thôn ra thành phố để tìm kiếm việc làm. Thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững thông qua việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn.

Đối với người tiêu dùng

Người tiêu dùng được tiếp cận các đặc sản, sản vật vùng miền với chất lượng tốt nhất. Sản phẩm OCOP 4 hoặc 5 sao là những sản phẩm chất lượng, được thẩm định 1 cách cực kỳ khắt khe và kỹ lượng, đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao nhất và xứng đáng nhất. “Người Việt dùng hàng Việt” - Đó là câu khẩu ngữ luôn được chúng ta nêu cao. Việc Chương trình OCOP ra đời, mang các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của từng vùng miền đến với người tiêu dùng cũng là cách để tôn vinh sản phẩm của người Việt.

Mục tiêu của chính phủ

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Hồ sơ chuẩn bị cho quy trình đánh giá sản phẩm OCOP

Quy trình đánh giá sản phẩm OCOP gồm 3 cấp: Công tác đánh giá cấp huyện; Công tác đánh giá cấp tỉnh; Công tác đánh giá tại cấp trung ương. Ở mỗi cấp, các lãnh đạo sẽ thành lập Hội đồng đánh giá bao gồm các cán bộ ban ngành liên quan. Ở mỗi 1 cấp, mức độ đánh giá sẽ nâng cao dần, đảm bảo tiêu chí cũng như yêu cầu khắt khe với từng sản phẩm. Để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình đánh giá, chủ thể OCOP phải chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng để khả năng được xét duyệt là cao nhất.

Hồ sơ sẽ bao gồm:

1 Phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm.

2 Phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm theo mẫu.

3 Giới thiệu bộ máy tổ chức theo mẫu đính kèm.

4 Giấy đăng ký kinh doanh.

5 Bản sao có công chứng, chứng minh hoạt động kinh doanh hợp pháp (đối với các đơn vị/cá nhân có đăng ký kinh doanh).

6 Sản phẩm mẫu./.

Lê Liên TH