Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Với 07 chương, 157 Điều, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Luật bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Luật còn bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát,....
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
7 chính sách lớn, điểm mới căn bản và quan trọng nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.
Nội dung sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:
Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả (QTG), Quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ).
- Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.
- Điểm nổi bật của dự thảo Luật là quy định cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (thỏa thuận đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính v.v.
Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước.
Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11.
Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.
Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực QTG, QLQ) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ,… tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.
Một số sửa đổi cụ thể bao gồm: Tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến QTG, QLQ; phân luồng ý kiến người thứ ba để đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn; đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế; cho phép trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp; bổ sung một số quy định đặc thù về thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN.
Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Cụ thể:
- Bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm QTG, QLQ, các giới hạn QTG, QLQ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
- Bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng QTG, QLQ; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước.
Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống sở hữu trí tuệ (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định sở hữu trí tuệ với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định sở hữu trí tuệ);
Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.
Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ QTG, QLQ;
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; giả định về QTG, QLQ; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.
Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển
Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ban hành ngày 9/12/2022 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND TP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Theo đó, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI, Kỳ họp thứ 9 quyết nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 148/2016/NQ- HĐND ngày 13/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực của khẩu cảng biển Hải Phòng.
Cụ thể, về đối tượng miễn, giảm thu phí quy định, miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu,hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng;hàng hóa viện trợ,cứu trợ nhân đạo. Đồng thời, giảm 50% mức thu phí đối với hàng hóa của đối tượng nộp phí khi vào cảng và dời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy.
Về trách nhiệm tổ chức thực hiện, HĐND Thành phố giao Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết đúng quy định của pháp luật. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khoá XVI, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/12/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Quy định mới về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2023
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các Thông tư kể trên là 5,0%/năm
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/11/2022 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Thông tư quy định các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; trái phiếu Chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ; trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt và doanh nghiệp khác; các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 17/1/2023.
Điều kiện đối với trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/11/2022 quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo Thông tư quy định, trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1 - Trái phiếu đặc biệt thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tín dụng, đang được lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
2 - Không phải là trái phiếu đặc biệt đang trong quá trình thanh toán.
3 - Không trong bảng kê trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản).
4 - Tại ngày tổ chức tín dụng lập Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn và ngày tổ chức tín dụng cập nhật Bảng kê trái phiếu đặc biệt theo quy định, thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt dài hơn thời hạn đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn tối thiểu 06 tháng.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất gia hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt là lãi suất cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP tại thời điểm khoản tái cấp vốn được giải ngân, gia hạn. Lãi suất đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn của khoản tái cấp vốn tại thời điểm khoản tái cấp vốn chuyển quá hạn. Ngân hàng Nhà nước không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả của khoản tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.
Thời hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước quyết định, dưới 12 tháng và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn. Thời gian gia hạn tái cấp vốn mỗi lần do Ngân hàng Nhà nước quyết định, không vượt quá thời hạn tái cấp vốn và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở gia hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/1/2023.