Xuất siêu thặng dư gần 11 tỷ USD, đóng góp tích cực cho các chỉ số kinh tế vĩ mô

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Báo cáo công tác hoạt động năm 2022 toàn ngành Công Thương tại Hội nghị tổng kết ngành ngày 26/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, với sự phục hồi tích cực, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng hơn 9%, đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Cơ cấu sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chế biến chế tạo, giảm dần công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Qua đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao. Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

thu-truong-1672054615.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tóm tắt công tác của ngành Công Thương năm 2023.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Mặc dù đạt được nhiều thành quả tích cực trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, song Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế của ngành trong năm 2022. Cụ thể, tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV, các DN sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), doanh thu giảm, cắt giảm giờ làm, giảm lao động.

cong-thg-1672054670.jpg
Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội.

Sản xuất công nghiệp sụt giảm cũng kéo theo tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý IV, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô vẫn chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Năm 2022 cũng là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương. Trong năm 2022, lực lượng QLTT thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng. Hoạt động cung cấp và vận hành hệ thống điện được vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, đáp ứng về cơ bản nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh DN, sản phẩm.

ct3-1672054731.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho ngành Công Thương năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, toàn ngành tập trung cao cho việc mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch bền vững. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân gắn với phát triển thương hiệu Việt.

Theo đó, ngành Công Thương đặt mục tiêu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8-9% so với năm 2022; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với năm 2022.

Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề ra nhóm 8 giải pháp, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu CNH, HĐH đất nước.

Toàn ngành tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ DN khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…