Nhọc nhằn nghề vác đước mướn ở Cà Mau

Ở Cà Mau, ngoài những nghề truyền thống như: Nghề dệt chiếu, đan đát, nghề làm mắm, nghề gác kèo ong, Nghề làm tôm khô, Nghề làm dưa bồn bồn…còn có những nghề lao động phổ thông thu hút đông đảo lực lượng lao động như đào đất, gánh nước, trông coi vuông tôm…Đặc biệt có một nghề lao động nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe tốt của cánh đàn ông nhưng thực tế lại đang thu hút một lực lượng lao động nữ đáng kể, đó là nghề vác đước mướn…

Người dân khai thác cây Đước về hầm than, họ vác bó cây nặng gấp 3 lần trọng lượng cơ thể

 Khi nhắc đến Cà Mau mảnh đất tận cùng của Tổ Quốc, ai cũng biết đến xứ sở nổi tiếng về nguồn thủy hải sản vốn được thiên nhiên ban tặng. Cà Mau, nơi có sóng biển rì rào, có lá Đước xôn xao, đặc biệt là có những con người hiền hòa, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Cuộc sống cơ cực có làm họ già đi trước tuổi, nhưng nụ cười tươi luôn nở trên môi mỗi khi có dịp gặp khách phương xa…

ca-mau-1637330922.jpg
“Tôi có thể vác một lúc 10 khúc như thế!”

Về Cà Mau đúng vào mùa khai thác cây đước, tôi đã có dịp nhìn thấy tận mắt cảnh lao động nặng nhọc của những người phụ nữ vác đước mướn. Đứng nhìn đống cây đước đã được cắt thành từng khúc dài khoảng 1m tôi không khỏi băn khoăn: vì sao ở đây người ta có thể khai thác đước một cách dễ dàng mà không chịu  một sự kiểm soát, ngăn cấm nào. Tôi được biết, trước đây, rừng đước Cà Mau còn bạt ngàn, người làm nghề chỉ cần vào rừng, lựa cây đước có thân to, đốn hạ làm nguyên liệu, từ đó đẫn đến việc khai thác không hợp lý, làm diện tích rừng đước ngày càng thu hẹp. Năm 2006, tỉnh Cà Mau cho phép thành lập HTX hầm than nhằm bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng chặt phá cây rừng, hầm than trái phép… Đang miên man trong dòng suy nghĩ, tôi chợt thấy một người phụ nữ còn khá trẻ, vóc người nhỏ nhắn, trông chỉ 28-30 tuổi, da đen bóng, dáng vẻ nhanh nhẹn đang bước đến gần tôi với nụ cười xởi lởi. Sau vài câu chào hỏi, tôi biết chị là một trong số những lao động chủ lực ở đây. Hàng ngày chị cùng mọi người vác đước từ bãi xuống ghe đậu ngoài sông, hết đống này tới đống khác. Tôi nói đùa: Chị có vác nổi khúc cây kia không? tôi chỉ khúc cây to bằng bắp chân nguòi lớn. Chị thản nhiên nói: “Tôi có thể vác một lúc 10 khúc như thế!” Vừa nói, chị vừa bảo người cháu đi cùng chất cây lên vai, tôi hồi hộp đứng nhìn. Chị vác bó cây tôi đếm được 9 khúc đi trong sự thán phục đến ngỡ ngàng của tôi. Người cháu giải thích: “Tụi tui nghèo nên quen lao động chân tay từ nhỏ. Phụ nữ hay đàn ông đều phải lao động như vậy mới có miếng ăn!”. Tôi không khỏi đắng lòng khi biết thêm về cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt của người lao động ở nông thôn, đặc biệt là lao động nữ. Rất tiếc là lúc đó tôi không chuẩn bị máy nên không chụp được tấm ảnh người phụ nữ … “lực sĩ” đó. Lòng tôi chợt dâng lên một nỗi xót xa. Để lo cho cuộc sống gia đình, người phụ nữ nông thôn đã vắt kiệt sức của mình. Ăn ngon, mặc đẹp với họ là một điều xa vời…

Hôm nay tôi trở lại Cà Mau, cũng vào tiết trời như năm ấy, nhưng tôi thấy cuộc sống người lao động ở đây dường như đã thay đổi nhiều. Bà con nông dân đang chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng, sản xuất, từ nuôi tôm thâm canh chuyển sang nuôi siêu thâm canh ( nuôi tôm công nghệ cao). Thật tình cờ, tôi gặp lại người phụ nữ ấy.  Dáng vẻ chị bây giờ gọn gàng, sạch sẽ trong bộ áo quần áo bảo hộ lao động. Hỏi ra mới biết chị là công nhân chăm sóc ao tôm. Cuộc sống của người nông dân thay đổi rõ rệt nhờ chính sách của nhà nước phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân sản xuất theo kịp tiến bộ xã hội. Con tôm của người nông dân Cà Mau đã đi ra thế giới tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống, phát huy thế mạnh của vùng sông nước Cà Mau.