Nhiều thách thức khi phát triển nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp luôn là bệ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp bền vững, gắn sản xuất với tiêu dùng thì nông nghiệp vẫn còn gặp phải thách thức không nhỏ.
hat-dieu-1694085943.png
Nhiều thách thức khi phát trển nông nghiệp bền vững. Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt trung bình từ 2,8-3%/năm. Hàng năm, Việt Nam sản xuất được khoảng gần 50 triệu tấn lương thực; 5,8 triệu tấn thịt; 8 triệu tấn thủy sản; gần 20 triệu mét khối (m3) gỗ rừng trồng và giá trị lớn về cây công nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đã và sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Cụ thể, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh khi Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, song đây cũng là thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước trước xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

Bên cạnh đó, các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao. Nhiều quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải cacbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn.

Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Việc đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là công nghệ số như hiện nay cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu,việc nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang đe dọa đến tính phát triển bền vững của nông nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng cao sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng bị ngập và không còn khả năng canh tác.

Vì vậy đòi hỏi Việt Nam cần phải có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đông Nghi