Nhiều nhà bán lẻ Đức lo ngại nguy cơ phá sản trước làn sóng dịch COVID-19 thứ tư

Các doanh nghiệp Đức vốn đang phải "vật lộn" để phục hồi sau đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái, lại đang trở nên khó khăn hơn khi số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh trở lại, khiến nhiều bang tái áp đặt các biện pháp hạn chế, thậm chí phong tỏa cục bộ để hạn chế tốc độ lây nhiễm. Nhiều nhà bán lẻ đang phải chuẩn bị một kịch bản tồi tệ nhất.

Đầu tháng 11 này, Hiệp hội Bán lẻ Đức đã tin tưởng rằng doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này sẽ tăng 2% trong tháng 11 và 12 so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán, doanh thu có thể đạt 112 tỷ euro (126 tỷ USD) trong hai tháng cuối năm.

Dựa vào kết quả một cuộc thăm dò gần đây, hiệp hội trên cũng cho biết trung bình người Đức sẽ chi 273 euro trong năm nay cho việc mua quà Giáng sinh, tăng nhẹ so với mức chi của năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những dự báo trên không còn giá trị nữa khi số ca mắc COVID-19 gia tăng đáng kể trong cả nước đã dẫn đến việc áp đặt những biện pháp hạn chế mới, bắt đầu gây khó khăn cho các nhà bán lẻ ở một số bang.

Tại bang Bayern, lệnh phong tỏa đã có hiệu lực, khiến hầu hết các cửa hàng bán lẻ phải tạm thời đóng cửa. BangSachsen cũng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, theo đó chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 đi mua sắm (các cửa hàng tạp hóa không bị ảnh hưởng). Bang Brandenburg cũng thông báo có thể sẽ áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tương tự một số bang khác và sẽ cấm tất cả những người không tiêm chủng vào các cửa hàng không thiết yếu. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ áp đặt phong tỏa toàn quốc.

ttxvn-chinh-phu-duc-covid19-2311-1637715611.jpg
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Munich, Đức trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số chủ cửa hàng tại trung tâm mua sắm ở Strausberg gần Berlin cho biết công việc kinh doanh vốn đã trở nên chậm hơn nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nay càng khó khăn hơn. Phát biểu với hãng truyền thông DW, chủ một quầy hàng quần áo bày tỏ: “Thời điểm áp đặt lệnh phong tỏa đầu tiên năm 2020, chúng tôi đã bị thiệt hại nặng nề. Chúng tôi đã thực sự không thể hồi phục hoàn toàn khi lệnh phong tỏa kết thúc, do quá nhiều người nhận ra việc mua sắm trực tuyến tiện lợi và không muốn quay lại các cửa hàng truyền thống”.

Một chủ cửa hàng khác chia sẻ bà rất lo lắng trước sự gia tăng chóng mặt số ca mắc COVID-19 cũng những hạn chế mà khách hàng sẽ phải đối mặt. Bà giải thích: “Chúng tôi chưa thực sự dự trữ hàng cho mùa Giáng sinh vì không hy vọng bán được nhiều hàng trong những tuần tới.Và nếu chúng tôi quyết định dự trữ hàng hóa, chắc chắn chúng tôi sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nguồn cung do thị trường vẫn chưa trở lại bình thường”.

Nhiều nhà bán lẻ thậm chí lo ngại sẽ không tồn tại được và buộc phải nộp đơn xin phá sản./