Ngành công nghiệp Đức tiếp tục gặp khó khăn

Sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu đầu vào đang gây ra nhiều vấn đề cho nền sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới nói chung và nước Đức nói riêng. Theo đánh giá của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, tình trạng này vẫn còn kéo dài.
cong-nghiep-covid-1637031221.jpg
Ngành công nghiệp Đức tiếp tục gặp khó khăn (Ảnh: AP)

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, nút thắt nguồn cung các sản phẩm trung gian và nguyên liệu thô hiện tại đang là trở lực lớn đối với các ngành sản xuất công nghiệp của nước này. Trong tháng 9, sản xuất công nghiệp của nền kinh tế đầu tầu châu Âu tiếp tục sụt giảm, nhất là trong các lĩnh vực như cơ khí, thiết bị điện, thiết bị xử lý dữ liệu và sản xuất kim loại. Triển vọng của nền công nghiệp vẫn mờ nhạt mặc dù nhu cầu về hàng hóa sản xuất tại Đức cao, tình trạng tồn đọng đơn hàng lớn. Dự báo tới năm 2022 nền công nghiệp nước này mới có thể phục hồi.

Ngược lại, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong những tháng qua đã giúp lĩnh vực dịch vụ được hưởng lợi; tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này được đánh giá tốt. Nhưng rủi ro đã tăng trở lại do tỷ lệ lây nhiễm những tuần qua tăng mạnh. Đánh giá tổng thể, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức dự báo sản lượng kinh tế Đức chỉ tăng nhẹ trong quý 4 này.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế IMK, nguy cơ kinh tế Đức suy thoái đã giảm đáng kể, bất chấp nút thắt nguồn cung nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian. Viện IMK dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến cuối tháng 1/2022, nguy cơ suy thoái kinh tế Đức ở mức 40,8%, giảm so với mức dự báo 44,1% trong tháng trước. Theo chuyên gia kinh tế Peter Hohlfeld từ Viện IMK, tình trạng khó khăn trong chuỗi cung ứng quốc tế đang có dấu hiệu giảm bớt phần nào; tuy vậy dấu hiệu này vẫn chưa biểu hiện thật rõ ràng.

Trước đó, trong báo cáo gần đây nhất, chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 3,5 xuống 2,6%. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng năm 2022 được đánh giá cao hơn, ở mức 4,1%./.