Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự báo Thành phố cứ 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM phát triển khoảng 53,7 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 34% chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận, TP.HCM vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở phù hợp khả năng chi trả. Cùng với đó, việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở, còn xảy ra tình trạng quá tải. Việc quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở còn gặp nhiều khó khăn, bất cập...
Một điểm vướng mắc được ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nêu là thủ tục xét duyệt dự án nhà ở xã hội kéo dài. Trong đó, "có những thủ tục rất vô lý" như nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải thực hiện tính tiền sử dụng đất theo quy định rồi mới làm thủ tục xin miễn. Ngoài ra, nhà ở xã hội phải được thẩm định giá bán nhưng hiện nay có trường hợp chủ đầu tư không thực hiện.
Rất nhiều trường hợp các chủ đầu tư không trình thẩm định giá. Hiện nay chưa có biện pháp, chế tài nếu chủ đầu tư không thực hiện việc thẩm định giá này”, ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin thêm.
Theo ông Khiết, giai đoạn 2016-2020, nhà ở thương mại tại TP.HCM vượt 112,9% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây vượt 23,3% chỉ tiêu. Riêng nhà ở xã hội chỉ đạt 69,2% chỉ tiêu. Như vậy, so với các loại hình nhà ở khác, nhà ở xã hội chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Lý giải về điều này, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, việc thẩm định giá bán, thuê mua và xác định đối tượng. Một dự án thương mại bình thường đã kéo dài, nhà ở xã hội còn có nhiều thủ tục hơn và khó hơn khiến tiến độ kéo dài thêm.
Về nguồn vốn đầu tư xây dựng có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách với quy mô 366 căn hộ; 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô: 13.870 căn hộ; 1 dự án vừa sử dụng vốn ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô: 718 căn hộ (254 căn hộ thuộc vốn ngân sách, 464 căn hộ thuộc vốn doanh nghiệp). Như vậy, trong giai đoạn này vốn ngân sách đã đầu tư 620 căn hộ (chiếm 4,15%), vốn doanh nghiệp đã đầu tư 14.334 căn hộ (chiếm 95,85%). Ngoài ra trong thời gian qua hàng nghìn chỗ lưu trú cho công nhân, sinh viên cũng được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước và tư nhân.
Đại diện Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM cho biết, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các KCN-KCX. Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp có đến 64.000 lao động ở nhà trọ, trong đó 54.000 lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, UBND TP.HCM cũng công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2023, Thành phố dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, mục tiêu của chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của TP.HCM trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau. Mặc dù vậy, để triển khai thành công chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt sẽ còn rất nhiều thách thức; do đó công việc, cách thức phối hợp giữa các lĩnh vực, đơn vị cần được triển khai hết sức nỗ lực, đồng bộ gắn với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu sau cuộc họp này, Sở Xây dựng TP.HCM công khai những nội dung trong chương trình và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đến UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các sở ngành. Sở cũng là cơ quan đầu mối để có tham mưu cho UBND thành phố những vấn đề cần thiết. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, chú ý tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư bởi Thành phố cần rất nhiều nguồn lực thực hiện.