Những vấn đề về tháo gỡ và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực của đất nước. Trong thời gian qua, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn như tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, giai đoạn 2023-2025 nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022) để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Nhằm tiếp tục tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, như sau: Cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tại dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đó là trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới; trong đó đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua như:

+ Về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội theo hướng: Giao đất không thu tiền sử dụng đất; Chủ đầu tư có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như của tổ trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (được chuyển chức nhượng nhà ở xã hội gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất).

+ Về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo hướng: Việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

+ Về lựa chọn chủ đầu tư theo hướng đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thế nào là phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch của địa phương.

1-1677052477.jpg
Nhà ở xã hội hay nhà cho người thu nhập thấp đã được Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Bổ sung chính quyền địa phương và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở:

+ Về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư theo hướng: Được dành toàn bộ diện tích sàn khối đế của dự án để làm sản dịch vụ- kinh doanh thương mại, dịch vụ - công cộng (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích phục vụ cư dân); phần diện tích khối để này được kinh doanh, hạch toán riêng và chủ đầu tư dự án được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích này. Đối với phần diện tích sàn làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo quy định của Luật Nhà ở (có lợi nhuận định mức).

+ Về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội theo hướng xác định đủ chi phí bảo trì nhà ở, các chi phi để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phi tổ chức bản hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức theo quy định của Chính phủ và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội xây dựng phương án giá đảm bảo các nguyên tắc nêu trên và trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

+ Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng: Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở và cơ sở lưu trú theo pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại; cắt giảm điều kiện đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội (chỉ cần là đối tượng thu nhập thấp), đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì đảm bảo 2 điều kiện về khó khăn về nhà ở và thu nhập thấp.

Hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương:

Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó:

+ Đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho Chủ đầu tư dự án vay ưu đãi.

+ Đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Đạm Quang Lê