Đánh giá về nguyên nhân gây ra khó khăn của thị trường bất động sản trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng: Khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, có thể đến từ khía cạnh pháp lý, có thể từ khía cạnh thị trường như mất cân đối cung cầu thị trường các loại bất động sản khác nhau cũng như liên quan đến vấn đề về vốn. Đối với thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng.
Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này. Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.
Vấn đề thứ hai liên quan lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.
Chia sẻ thêm về gói tín dụng lần này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay: Gói 120 nghìn tỷ chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhà ở xã hội có một số chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, lãi suất giảm so với lãi suất cho vay khoảng từ 1,5-2%, chưa tính đến là khi triển khai, tiền sử dụng đất cũng được Nhà nước miễn hay một số chính sách khác nữa với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới. Việc này Chính phủ đã bàn nhiều và Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới- Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin.
Trước đó, nhằm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tại Hội nghị ngày 17/2, Bộ Xây dựng có đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại, để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng thực hiện rất tốt vào giai đoạn 2013 - 2016 trước đây).
Cụ thể theo đề xuất sẽ dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi, và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ dừng nghiên cứu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng này để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cũng theo đó, vào chiều ngày 2/3, Bộ Xây dựng đã có thông cáo báo chí thông tin về đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết: Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng nhà ở xã hội. Khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.