Nhật Bản chi 48,2 tỷ USD hỗ trợ kinh tế, ứng phó gia tăng lạm phát

Chính phủ Nhật Bản thông qua gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp trị giá 6.200 tỷ Yen (48,2 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của tình trạng giá cả leo thang tới nền kinh tế vào ngày 26/4. Phần lớn gói nhất của cứu trợ là 1.500 tỷ Yên để dành cho việc ứng phó với giá dầu thô tăng cao...

Cụ thể, theo tin từ Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi 6.200 tỷ Yên (tương đương 48,2 tỷ USD) để trợ cấp xăng dầu, cho vay lãi suất thấp và hỗ trợ tiền mặt nhằm giảm tác động của tình trạng giá cả leo thang với người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi Tokyo gọi đây là các giải pháp cứu trợ toàn diện, một số nhà phê bình cho rằng đó chỉ là sự khắc phục trong ngắn hạn, đặc biệt là khi các quốc gia khác đang thực hiện những thay đổi mang tính căn bản hơn về vấn đề năng lượng cũng như các yếu tố kinh tế quan trọng khác nhằm ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.

Qua đó, trong gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp lần này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ chi 1.500 tỷ Yen để tăng mức trợ giá tối đa cho các nhà nhập khẩu và phân phối nhiên liệu; 1.300 tỷ Yen để hỗ trợ cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn; 1.300 tỷ Yen khác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn vì giá cả hàng hóa leo thang và dịch bệnh.

kinh-te-nhat-ban-1595423963391538168239-1651042468.jpeg
Giao lộ Shibuya tại Nhật Bản. Ảnh minh hoạ

Để tài trợ cho gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng 1.500 tỷ Yen từ quỹ dự phòng cho các khoản chi khẩn cấp trong năm tài khóa 2022, cùng với 2.700 tỷ Yen từ ngân sách bổ sung sẽ được soạn thảo trong một vài tuần tới. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn chi 500 tỷ Yen để thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu thô và lương thực.

Sau khi thông qua các gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, Chính phủ cần ngay lập tức thực hiện biện pháp hỗ trợ trong gói này nhằm đảm bảo phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Gói kích thích kinh tế khẩn cấp được soạn thảo trong bối cảnh giá nhiên liệu, lương thực và nhiều mặt hàng khác đang tăng nhanh tại Nhật Bản, gây ảnh hướng lớn đến sức mua của người tiêu dùng và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Nhật Bản, từ đó có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế.

Phương Ly (t/h)