Nhập khẩu xăng dầu đảm bảo nguồn cung trong nước: Đòi hỏi sự điều hành linh hoạt và sát thực tế

Trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đạt kế hoạch, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng thêm sản lượng nhập khẩu trong quý II tới để đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, việc giao sản lượng này cũng đặt ra những thách thức lớn với các doanh nghiệp, đòi hỏi cơ quan quản lý sớm có những chính sách điều hành linh hoạt và sát thực tế hơn.

* Không quá khó để nhập khẩu xăng dầu

Theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 của Bộ Công Thương về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022, tổng lượng nhập khẩu tăng thêm để bổ sung lượng xăng dầu thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước là 2,4 triệu m3, gồm 840 nghìn m3 xăng và 1,56 triệu m3 dầu được giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.  

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu hơn 1,065 triệu m3 xăng dầu, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng nhập khẩu tăng thêm, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) được giao gần 489 nghìn m3 xăng dầu, Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà hơn 140 nghìn m3, Công ty TNHH Hải Linh gần 125 nghìn m3, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Nam sông Hậu gần 67 nghìn m3, Công ty TNHH TMVT&DL Xuyên Việt Oil hơn 165 nghìn m3, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lê hơn 89 nghìn m3, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp hơn 73 nghìn m3, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức hơn 144 nghìn m3 và Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội hơn 41 nghìn m3.

Về tình hình nhập khẩu bù vào sản lượng thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Phó tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Xuân Hùng cho biết, ngay sau khi Nhà máy có thông báo giảm sản lượng, Petrolimex đã rà soát lại các hợp đồng nhập khẩu với các đối tác và thực hiện ký kết ngay từ đầu năm 2022, trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng ký kết các hợp đồng mới phù hợp với chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương giao cho Petrolimex phải nhập khẩu.

Với đầu mối nhập khẩu khác là Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Phó Tổng giám đốc Lê Minh Quốc cho biết Công ty nhập khẩu xăng dầu về từ 4 nguồn: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc. Hiện nay, Công ty đang đàm phán với tất cả các nhà cung cấp để tìm ra phương án nhập khẩu với giá cả hợp lý nhất.

Thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, trong thời gian đàm phán với các đối tác nhập khẩu thêm xăng dầu, Công ty cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Tháp đã quyết định chuyển một phần hàng tạm nhập tái xuất của đơn vị thành hàng nhập khẩu để bán trong nước, đáp ứng nhu cầu cấp bách ngay trong tháng 3 này, còn cam kết hợp đồng tạm nhập tái xuất với khách hàng sẽ dời sang tháng sau,  Tổng Giám đốc Lê Thanh Mân cho biết.

* Điều hành linh hoạt và sát thực tế

Thực tế cho thấy việc nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam để bù đắp sản lượng thiếu hụt của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không quá khó khi hầu hết các nước đã mở cửa trở lại và chuỗi cung ứng xăng dầu thế giới đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại đang đối mặt với khó khăn lớn khi các chính sách điều hành không tiệm cận với biến động thị trường.

Một doanh nghiệp trong số 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu được giao trách nhiệm nhập khẩu thêm cho biết, hiện phụ phí mỗi thùng dầu nhập khẩu về Việt Nam đã tăng từ 2 - 3 lần so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước lại không cập nhật được sự thay đổi lớn này. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu buộc phải giảm chiết khấu của các đại lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị thua lỗ.

Tuy nhiên, việc giảm chiết khấu như vậy lại khiến các đại lý không muốn kinh doanh vì giá bán xăng dầu trong nước như hiện nay không đủ bù chi phí. Thực tế là doanh nghiệp càng nhập khẩu nhiều, càng bán nhiều càng lỗ. Trong những tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện nhiều đại lý, cây xăng tư nhân treo biển hết xăng hoặc đóng cửa với lý do chưa hợp lý cũng bởi thu không đủ bù chi, một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu giấu tên cho biết.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn, giải pháp quan trọng nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần thay đổi cách thức tính giá bám sát diễn biễn thị trường. Bên cạnh đó, việc tính toán để bù phụ phí nhập khẩu xăng dầu cũng phải tính toán để giảm thiệt hại phần nào cho các doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được giao nhiệm vụ tăng sản lượng đề xuất.

india-anh-reuters-1-730-1646272062.jpeg
 

Doanh nghiệp này cũng cho biết, hiện chỉ có 10 trong số 35 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải có nhiệm vụ thực hiện sản lượng giao thêm, số doanh nghiệp còn lại không bị ràng buộc bởi quy định này. Thêm vào đó, chỉ tiêu sản lượng tăng thêm được Bộ Công Thương tính toán trên giả định Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không hoạt động trong quý II/2022. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5/2022, Nhà máy sẽ sản xuất 100% công suất cho dù thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối, đặc biệt trong tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.

Từ thực tế này, nguy cơ thua lỗ với 10 doanh nghiệp đầu mối phải nhập khẩu thêm xăng dầu là hiện hữu khi giá xăng dầu thế giới tăng "nóng" như hiện nay, nhất là khi Nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động bình thường, doanh nghiệp giấu tên này chỉ rõ.

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn giá xăng dầu thế giới và các nước trong khu vực trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao. Trong khi đó, cơ chế điều hành giá xăng dầu theo điều 27, Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng. Vì vậy, tại cuộc họp ngày 9/2 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép Liên Bộ Công Thương - Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới.

* Cần thêm nhiều giải pháp 

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao như hiện nay, thời gian qua tại các cửa hàng xăng dầu gần biên giới Tây Nam như An Giang đã xảy ra hiện tượng mua gom xăng RON95 để bán qua biên giới do giá xăng dầu trong nước thấp hơn của Campuchia.

Vì vậy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, bên cạnh thực thi các chế tài mạnh xử lý các hành vi găm hàng trục lợi về giá ở trong nước, lực lượng chức năng như quản lý thị trường, bộ đội biên phòng... cần tăng cường kiểm tra, phát hiện các đối tượng vận chuyển xăng dầu trái phép qua biên giới để ăn chênh lệch. Việc kiểm soát sẽ góp phần hạn chế tình trạng khan hàng tại các cây xăng sát biên giới như thời gian qua cũng như giúp giảm thiệt hại cho ngân sách.

Đề xuất giải pháp ứng phó với giá dầu tăng cao như hiện nay, chuyên gia cao cấp Đoàn Tiến Quyết (Viện Dầu khí Việt Nam) cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới bán dầu dự trữ chiến lược hoặc thương mại để bình ổn thị trường và tăng thu ngân sách, đảm bảo điều tiết thị trường khi giá dầu cao. Khi thị trường biến động giảm, có thể mua vào để gia tăng dự trữ và đây là bài toán kinh tế nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu.

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa việc dự báo bởi đó là giải pháp quan trọng để ứng phó với biến động giá dầu. Thực tế như năm 2021, giá dầu thế giới đã tăng 50%, trong khi giá dầu kế hoạch được thông qua thấp hơn rất nhiều.

Ngoài ra, sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các  sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro, ông Quyết đề xuất./.