Nhà báo, luật sư sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Ngày 15/08, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền”, ông Tuệ nêu.

phat-2-1660572228.jpeg
Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 4 chương, 45 điều, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2022, trong đó, quy định cụ thể về hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự như tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; Hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao, nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Dự thảo Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, gồm các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng;

Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

Đáng chú ý, theo dự thảo, nhà báo sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa. Hoặc không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

phat-3-1660572229.jpeg
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình.

Nhà báo cũng có thể bị phạt từ 7 triệu đến 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ. Hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Thậm chí, mức xử phạt có thể từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng. Hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Dự thảo cũng quy định hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; hoặc lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý có những hành vi trên thì mức xử phạt sẽ từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Tương tự, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý có hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền là từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, theo dự thảo, người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại/người làm chứng tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại/người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Nhưng nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực, buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối thì mức phạt tiền sẽ từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng...

Cũng theo dự thảo, người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi trên, mức xử phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng....

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh còn quy định nhiều mức phạt tương ứng với các hành vi vi phạm cụ thể khác.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn về thẩm quyền xử phạt của lực lượng CAND, Pháp lệnh quy định chỉ xử phạt trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm và điều tra, truy tố, còn khi hồ sơ gửi qua Tòa thì không có quyền xử phạt. Trong khi, trên thực tế có những vấn đề xảy ra, khi hồ sơ chuyển qua Tòa rồi thì hành vi cản trở vẫn diễn ra.

Ông Lê Tấn Tới cũng băn khoăn, thi hành án cũng là một hoạt động của giai đoạn tố tụng, nếu như bị cản trở thì liệu có còn trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này nữa hay không, chưa thấy dự thảo pháp lệnh này đặt ra.

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, pháp lệnh đang đi theo hướng rành mạch thẩm quyền theo từng giai đoạn tố tụng. Theo bà, nếu ở giai đoạn xét xử thì hành vi cản trở hoạt động thu thập, xác minh, chứng cứ của cơ quan Công an là không còn, tuy nhiên còn hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người tiến hành tố tụng thì dự thảo pháp lệnh sẽ thiết kế theo hướng quy định Thẩm phán Tòa án sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ và xử phạt ngay tại phiên tòa.

Về ý kiến băn khoăn, tại sao hành vi cản trở trong lĩnh vực tư pháp lại xử phạt nặng hơn so với cùng một hành vi thông thường, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ, nếu đánh người gây thương tích bên ngoài là xử phạt bình thường, còn cán bộ Công an, Kiểm sát mà đánh người là quá nặng nên buộc phải xử nặng. Hay làm sai lệch hồ sơ vụ án, giấy tờ giả bên ngoài xử phạt khác, cán bộ Công an, Kiểm sát làm sai thì xử nặng hơn nhiều.

Được biết, dự thảo pháp lệnh dự kiến sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 18/08.

Mai An