Mới 14 tuổi, Krupskaya học khá nhất lớp đã nhận dạy kèm cho con cái những nhà giàu có. 18 tuổi, Krupskaya tốt nghiệp Trung học sư phạm khóa 8, học tiếp Trường Cao đẳng dành cho phụ nữ. Ra trường, dạy tại trường học buổi tối ở cửa ô Neva, rồi mở các lớp văn hóa cho công nhân. Cô muốn đem những kiến thức đã học được đến với quần chúng công nhân, nên “nhiều công nhân rời máy là đến ngay lớp học”. Trước cuộc sống bị áp bức của công nhân, Krupskaya kiên trì tìm cho mình một lối vào đời, tìm lời giải cho những vấn đề đặt ra hàng ngày: “Sự giàu có của số người này, sự nghèo khổ của số người khác, sự độc đoán của bọn quan lại và chính quyền Nga hoàng...”. Từ thực tế đó, Krupskaya bắt đầu tham gia các nhóm xã hội, đọc các tác phẩm của Karl Marx.
Cuối năm 1894, Krupskaya đọc cuốn Bàn về thị trường, bên lề ghi chi chít những chữ nhỏ li ti, rõ ràng của một nhà Marxist từ xa đến. Chị muốn làm quen với người ấy, muốn được hiểu rõ các quan điểm của anh. Trong lễ đón mùa xuân 1895, cuộc gặp gỡ các nhà Marxist, Krupskaya được thấy người Marxist trẻ: Lênin. Qua cách nói, thái độ của Lênin, Krupskaya hiểu ngay rằng “Con người này sẽ không bao giờ dao động, anh đã thấy rõ mục đích và con đường đấu tranh, đã vạch ra một chương trình hành động và sẽ không tiếc sức mình thực hiện chương trình đó. Không phải con cháu họ, mà chính họ, những người đang ngồi trong căn phòng này rồi sẽ thực hiện một cuộc cách mạng’’.. Dự cảm của chị đã trở thành hiện thực vào tháng 10.1917, trong đó có sự đóng góp tích cực của chị.
Krupskaya và học viên các lớp học công nhân tham gia vào Hội Liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân gọi tắt là Hội liên hiệp của Lênin. Người chủ động đến thăm lớp học công nhân khi Krupskaya đang đứng lớp. Từ đó, hai người gặp nhau nhiều hơn. Rồi Lênin sang Thụy Sĩ, tháng 09.1895 về nước. Tháng 10.1895, Hội Liên hiệp quyết định ra tờ báo Sự Nghiệp Công Nhân. Lênin viết những bài quan trọng. Báo chưa kịp in thì Lênin bị bắt. Nhưng Krupskaya đã gửi bản thảo tờ báo mà chị đã biên tập đi khắp nơi. Chị bị cảnh sát theo dõi gắt gao.
Tối 11.08.1896, Krupskaya bị bắt tại nhà, nhưng không khai thác được gì, chúng thả ra. Ngày 28.10.1896, Krupskaya lại bị bắt. Người mẹ góa bụa thường xuyên thăm nuôi. Còn Lênin bị đày đi Sibir. Tháng 04.1897, Krupskaya cũng bị kết án. Gửi thư cho Krupskaya, Lênin ngỏ lời muốn kết hôn với chị và muốn chị cùng đến Sibir. Mẹ con Krupskaya làm đơn lên Cục cảnh sát yêu cầu đày chị đến cùng nơi với Lênin. Cục cảnh sát chấp thuận với yêu cầu hai người phải chịu phép cưới. Ngày 18.04.1898, mẹ con Krupskaya lên đường đến với Lênin. Tháng 05.1898 họ đến “nhà” Lênin giữa rừng Taiga giá rét. Hai tháng sau, 10.07.1898 họ chịu làm phép cưới để thành vợ thành chồng, để được sống và làm việc bên nhau.
Thời gian lưu đày, Lênin đã lên kế hoạch xuất bản tờ báo chung cho cả nước Nga. Tờ báo ấy phải trở thành nền móng trong quá trình xây dựng Đảng Xã hội - dân chủ, đảng Bolshevik. Hết hạn đi đày 3 năm, tháng 07.1900, Lênin ra hoạt động bí mật ở nước ngoài. Cuối tháng 12.1900, Lênin đã đến Leipzig (Đức) để đích thân theo dõi việc in số đầu tờ Tia Lửa. Tháng 02.1901 tờ Tia Lửa về đến Uplia, đến các nhà dân chủ - xã hội và công nhân toàn Nga. Tia Lửa bí mật gửi đến Bỉ, Thụy sĩ. Krupskaya làm thủ quỹ ở Upha, nơi bà bị lưu đày tiếp và quyên góp tiền cho tờ Tia Lửa... Ngày 11.03.1901, mãn hạn đi đày, bà đưa mẹ về Peterburg, rồi một mình đi tìm Lênin đang sống bí mật ở Praha (Tiệp Khắc). Gặp nhau, ông bà chuyển sang Muyních (Đức) và Báo Tia Lửa được chuyển về in ở Muyních. Ông, bà sống lưu vong ở các nước châu Âu, hoạt động bí mật đến 1905. Tia Lửa trở thành một chỗ dựa vững chắc của Đảng dưới sự lãnh đạo của Lênin. Tia Lửa đã tập hợp và thu hút được về phía mình không chỉ những lực lượng tiến bộ của đảng dân chủ - xã hội Nga mà cả những nhà dân chủ - xã hội nổi tiếng nhất châu Âu. Với việc xuất bản tờ Tia Lửa, những người đứng về phía Lênin càng đông đảo gấp bội. Krupskaya phải ngồi viết mật mã và giải mật mã những bài báo, những thư từ khắp nơi gửi cho Tia Lửa và Lênin. Mỗi bản mật mã là một sợi chỉ nhỏ nối dài về nước Nga. Đọc các thư từ có thể thấy rõ và đánh giá được vai trò của Krupskaya với tư cách là thư ký tờ Tia Lửa, và Tia Lửa đã đề cập đến tất cả những sự kiện của nước Nga. Bà mở rộng quan hệ với những người viết báo không chỉ ở Nga mà cả ở Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp. Tia Lửa đã bước lên diễn đàn quốc tế. Từ tháng 12.1900, đến tháng 02.1902, Báo Tia Lửa được đựng trong 60 chiếc va li hai đáy, đã gửi về Nga và một số nước. Sau đó, Krupskaya và mẹ đã tổ chức sản xuất những chiếc áo “coóc-xê” rộng bản có túi lớn đựng được cả trăm tờ Tia Lửa in trên loại giấy hút thuốc lá. Cách vận chuyển này không bị khám xét như các va li hai đáy. Việc phát hành Tia Lửa thật kỳ diệu! Sống xa Tổ quốc, nhưng vợ chồng Lênin đã củng cố vững chắc hơn các mối liên hệ của mình với giai cấp công nhân Nga. Tia Lửa đã lôi cuốn đông đảo quần chúng công nhân tham gia vào các hoạt động chính trị. Chính, từ những công nhân ấy, Lênin hy vọng đặt nền móng cho một đảng thực sự cách mạng Marxist có thực lực.
Phải đầu tư biết bao công sức mới xoay được tiền để xuất bản Báo Tia Lửa và tạp chí Bình Minh. Vì vậy, gia đình Lênin túng bấn khi ở nước ngoài. Họ không muốn rút một xu nhỏ nào từ quỹ đảng, trong khi tiền nhuận bút chẳng nhiều nhặn gì và khi có khi không. Tờ báo đã cuốn hút toàn bộ sức lực của Krupskaya và Lênin, choán mất toàn bộ thì giờ của họ, làm cho họ luôn luôn phải suy nghĩ.
Tháng 12.1904, tờ báo Tiến Lên của Đảng Bolshevik ra mắt bạn đọc. Tờ báo do Lênin sáng lập, bà Krupskaya làm thư ký tòa soạn. Đồng chí M. Ét-xen, đã viết: “Bà Krupskaya là người thư ký không ai thay thế được của ban biên tập Tia Lửa cũ và báo Tiến Lên. Bà phải phụ trách một khối lượng công việc rất to lớn là tổ chức liên lạc với các Ban chấp hành đảng bộ ở Nga, phân bố lực lượng chuẩn bị các Đại hội II và III của đảng. Bà nắm mọi đầu dây, mọi đầu mối liên lạc với tổ chức Bolshevik hoạt động bí mật”. Tháng 10.1905, ông bà Lênin về nước, chấm dứt thời kỳ lưu vong thứ nhất. Nhưng hoạt động trong hoàn cảnh bị truy bắt liên tục, tháng 01.1908, ông bà lại bí mật ra nước ngoài hoạt động.
Từ 1907-1910, bà là ủy viên ủy ban kinh tế của ban biên tập Báo Người Vô Sản, rồi Thư ký báo Công Nhân. Ngày 27.04.1912, Báo Sự Thật hằng ngày ra số đầu tiên, Lênin có điều kiện tham gia tích cực việc xuất bản tờ báo, còn bà Krupskaya viết và đăng một loạt bài về nền giáo dục nhân dân từ năm 1912-1914 trên tờ Sự Thật. Giữa năm 1917, bà Krupskaya về nước, đẩy mạnh mọi hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, Lênin vẫn bị truy bắt gắt gao, nên vẫn ở nước ngoài và theo dõi mọi diễn biến trong nước, lãnh đạo đảng hoạt động có hiệu quả. Đầu tháng 09.1917, Krupskaya bí mật sang Phần Lan tìm cách đón Lênin về. Ngày khởi nghĩa đang đến gần. Đầu tháng 10.1917. Lênin bí mật về nước chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Ngày 24.10.1917 (06.11 lịch cũ), Lênin, chỉ thị: “Trí hoãn khởi nghĩa là chết!”. Ngày 25.10.1917 (07.11), cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, nước Nga Xô-viết ra đời. Đó là Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Iiên-xô), nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới mà Lênin đã phấn đấu biến ước mơ của Karl Marx thành hiện thực.
Lênin từ trần năm 1924, ở tuổi 54; Krupskaya từ trần năm 1939 ở tuổi 70.