Những ngày qua, tại các xã ven biển TP Sầm Sơn đang xôn xao về câu chuyện vỡ hụi khiến hàng trăm hộ dân có nguy cơ mất trắng tiền khi các “chủ hụi” công bố “phá sản”.
Bài cũ để lùa gà
Vậy, chơi hụi là gì. Tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức hụi nhằm tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Như vậy, hoạt động chơi hụi bản chất không vi phạm pháp luật, mà chỉ bị nghiêm cấm, nếu người chơi lợi dụng hình thức này để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp, nếu việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, không vi phạm những điều cấm của pháp luật, thì hoạt động này được pháp luật bảo vệ.
Pháp luật quy định cụ thể mức lãi suất của họ, hụi, biêu, phường phải tuân theo mức lãi suất được quy định trong luật dân sự và cũng nghiêm cấm những hình thức cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) núp bóng dưới danh nghĩa các nhóm họ, hụi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ngày càng có nhiều vụ việc vỡ hụi, chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả. Một số đối tượng chủ hụi lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều người dân dốc toàn bộ tiền tích góp cả đời cho chủ hụi đứng trước nguy cơ không thể lấy lại tiền dẫn đến cảnh trắng tay, nợ nần.
Tại TP Sầm Sơn, theo tìm hiểu được biết, việc chơi hụi và vỡ hụi không phải lần đầu xảy ra tại TP biển này. Trước đó, vào năm 2019, tại phường Quảng Cư cũng từng xảy ra vỡ hụi, khiến nhiều người dân mất trắng với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Những tưởng sau bài học đắt giá ấy, cùng với sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền sẽ hạn chế được những rủi ro như trên. Tuy nhiên, với tâm lý muốn giàu nhanh, nhiều người đã mang hết tài sản góp vốn chơi hụi. Lợi nhuận không từ kết quả làm ăn thực tế sinh ra, đến một thời điểm mô hình chắc sẽ sụp đổ khi áp lực trả lãi đã lớn hơn nguồn tiền đầu tư thu vào.
Thực chất hình thức góp hụi không theo quy định của pháp luật là một dạng mô hình tam giác lừa đảo Ponzi. Dù hình thức đã quá cũ, nhưng chưa bao giờ hết hiệu quả. Người sáng tạo ra mô hình này là Charles Ponzi (sinh năm 1882) – một trùm lừa đảo người Ý và đã lừa được 15 triệu USD từ hàng vạn khách hàng, khiến cho 6 ngân hàng phá sản. Có thể coi Charles Ponzi chính là “ông tổ” của ngành đa cấp.
Ponzi hay mô hình kim tự tháp hiểu đơn giản là một mô hình tam giác lừa đảo. Theo đó, những kẻ đứng sau mô hình sẽ dụ dỗ nhà đầu tư mới để họ tham gia vào hệ thống. Tiền đầu tư của người đến sau lại được sử dụng như tiền lãi cho nhà đầu tư trước đó. Cứ như vậy, người đến sau lại phải trả tiền cho người đến trước mà không hề hay biết gì.
Trong mô hình Ponzi không hề có chuyện lợi nhuận do làm ăn thực tế sinh ra. Vì thế đến một thời điểm nào đó, mô hình chắc sẽ sụp đổ khi đó áp lực trả lãi đã lớn hơn nguồn tiền đầu tư thu vào.
Thời gian tồn tại của mô hình lừa đảo Ponzi có thể dài hoặc ngắn tùy vào số lượng nhà đầu tư mà mô hình đó thu hút được. Thậm có những dự án đầu tư siêu lợi nhuận theo mô hình Ponzi tồn tại đến gần chục năm trước khi sụp đổ.
Cảnh tỉnh khi xuống tiền góp hụi
Để hiểu và chơi hụi theo đúng phát luật, hạn chế rủ ro, người chơi hụi cần tuân thủ các quy định trong Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.
Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.
Khi tham gia hụi, người dân cần lưu ý khi góp hụi, nhận hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan, thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.
Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc 1 trong 2 trường hợp là tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại 1 kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Nếu chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ quy định trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Chính quyền địa phương, các đoàn thể cần thường xuyên tăng cường tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng quy định pháp luật trong tham gia chơi hụi, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp bị lợi dụng khi chơi hụi.
Nếu người chơi hụi chấp hành pháp luật, quy định của Nhà nước, hình thức chơi hụi sẽ là kênh huy động vốn trong nhân dân hiệu quả giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thành viên chơi hụi cần cẩn trọng, chọn dây hụi tin tưởng, các thành viên hiểu biết lẫn nhau, có giấy tờ rõ ràng, chứng minh thời gian, số tiền đóng hụi theo kỳ để khi có tranh chấp, pháp luật có thể can thiệp, bảo vệ được quyền lợi.
Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ họ bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi thì cần báo cho chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời./.