Ngũ gia bì: Từ cây phong thủy tới bài thuốc tốt

Ngũ gia bì vốn được trồng làm cây phong thủy mang lại tài lộc, thanh lọc không khí và hạn chế côn trùng, nhưng loài cây này còn được sử dụng trong một số bài thuốc dân gian.
ktx-cay-ngu-gia-bi-1696415638.jpg
Ngũ gia bì có nhiều công dụng tốt với sức khỏe - Ảnh minh họa.

Trong các loại cây phong thủy, cây ngũ gia bì sẽ mang đến một không gian thư thái, thoáng mát cho bởi lá cây luôn xanh tốt quanh năm, giúp không khí trở nên thoáng đãng, sạch sẽ. Không chỉ vậy, cây còn có ý nghĩa thu hút tài lộc, vượng khí.

Cây ngũ gia bì còn được gọi là cây chân chim, cây đáng, cây lằng, sâm non, cây chân vịt, sâm nam…có vị đắng, chát, hơi thơm. Từ dân gian, ngũ gia bì được sử dụng để xua đuổi muỗi, phòng ngừa sốt rét. Sau này, người dân sinh sống ở nơi nhiều nước, độ ẩm thấp thường hay trồng cây trong nhà hay ngoài vườn để làm cảnh và trừ muỗi hiệu quả. Không chỉ tác dụng đuổi muỗi, các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy ngũ gia bì có tác dụng điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm không khí, loại bỏ được khí độc Formaldehyd.

Theo nhiều nghiên cứu hiện đại và các sách vở ghi chép trong Đông Y cho thấy ngũ gia bì có chứa khoảng 0,5-1% tinh dầu. Trong đó cành và rễ chứa các thành phần hóa học như saponin triterpen. Chúng có vai trò chống mệt mỏi, cải thiện sức khỏe, chống lão hóa, an thần, kháng viêm. Đặc biệt là có thể ngăn ngừa ung thư và hạ huyết áp. Cây có công dụng giải biểu, làm ra mồ hôi, trừ đau nhức xương khớp, mạnh gân cốt, chống suy nhược thần kinh, giảm đau,… Lá được dùng nấu canh ăn giúp tiêu hóa rất tốt. Ngoài ra, rượu ngâm thảo dược này giúp tăng lực, trừ phong thấp.

Một số công dụng của cây ngũ gia bì

Theo y học hiện đại, ngũ gia bì còn có tác dụng giải độc, chống phóng xạ, điều hòa hồng cầu, bạch cầu và huyết áp, điều tiết sự cân bằng giữa 2 quá trình hưng phấn và ức chế ở trung khu thần kinh, tăng thể lực, trí lực, chống lão hóa, thúc đẩy quá trình chuyển hóa, tăng cường chức năng tuyến sinh dục và xúc tiến tế bào tái sinh, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, kháng tế bào ung thư và kháng virus, làm giảm cơn ho suyễn, long đờm và cầm ho, kháng viêm, chống ung thư và hạ huyết áp.

Theo Đông y, ngũ gia bì tác dụng minh mục, ích tinh, thất thương, tằn trí nhớ, mạnh gân xương và bổ trung, trừ thấp, tiêu thủy, ích tinh, dưỡng thận, trừ phong và hóa đờm, hạ khí bổ ngũ lao, tiêu phù và trừ phong thấp.

Tuy có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng ngũ gia bì có tính vị cay ôn, làm tổn hại phần âm, hỗ trợ phần hỏa nên đối với những người có biểu hiện nóng trong người (âm hư vượng hỏa), phụ nữ có thai không nên sử dụng để tránh những hậu quả không nên có.

Diễm Quỳnh