Tương truyền rằng, vào năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1782), trấn Nghệ An bị dịch tả hoành hành, nhất là tại vùng Vạn Lộc, Cửa Hội. Vùng này dân số đông, dịch lan nhanh và đâu đâu cũng có người chết vì dịch tả. Lúc đó, có một vị thần y đi qua và đã cứu chữa được cho rất nhiều người trong vùng và các vùng xung quanh.
Sau đó không lâu, dịch bệnh đã được đẩy lùi, cuộc sống người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, người dân không thấy vị thần y kia đâu nữa. Để tưởng nhớ công ơn của thần y, người dân trong làng đã lập đền thờ tôn vị thần y là thần bản cảnh thành hoàng của làng mình. Kể từ đó về sau, người trong làng mà bị đau ốm đều đến thỉnh cầu và được linh ứng. Triều đình nhà Nguyễn thời đó đã nhiều lần cấp sắc phong cho đền vì sự linh thiêng và sự bảo hộ dân chúng trong vùng. Hiện nay, vẫn còn lưu giữ một số sắc phong của triều đình.
Đền Làng Hiếu còn thờ phật, các thần Cao Sơn Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là nghĩa trang chôn cất gần 100 bộ xương cốt cá Ông (cá Voi) trong ngôi đền. Mỗi một ngôi mộ đều gắn với một câu chuyện linh thiêng. Trong quan niệm của ngư dân vùng biển, mỗi lần có 1 con cá Voi chết đi là 1 lần “Ngài” hy sinh thân mình để cứu một tàu thuyền nào đó. Theo tục lệ, người dân đi biển nào phát hiện thấy “Ngài” mất đầu tiên thì người đó phải tiến hành việc chôn cất và để tang cho “Ngài” như để tang cha mẹ mình. Với những ông cá lớn thì chủ vạn, chủ phường phải đứng ra lo mai táng cho “Ngài”. Đặc biệt sau khi mai táng thì ngư dân phải để tang cá Ông 3 năm. Sau đó sẽ làm lễ cát táng, đưa hài cốt về đền Làng Hiếu.
Hàng năm, các gia đình thờ cá Ông phải làm giỗ và phải đến đền thắp hương, mời linh hồn “Ngài” về để hành lễ. Chính vì như vậy nên người dân ở đây coi việc săn, bắt, ăn thịt cá Voi là điều cấm kỵ. Gặp cá Voi mắc cạn phải cứu giúp ra biển. Tuy vậy, việc phát hiện xác cá Voi lại được ngư dân xem là điều may mắn.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, vùng biển Cửa Hội trước đây thường xuất hiện một vị cá Ông rất to lớn. Những lúc gió, bão, tàu thuyền gặp nạn, ông thường đến cứu giúp, đưa tàu thuyền vượt sóng dữ, ngư dân được an toàn. Sau khi “Ngài” mất, trôi vào bờ, phải dùng 30 đôi chiếu hoa mới phủ kín thi thể “Ngài”. Ngư dân đã tổ chức lễ an táng rất trang trọng, tôn nghiêm. Sau khi hết tang, ngư dân đã cát táng và đưa vào lăng chính của nghĩa trang để thờ phụng. Xương cốt cá Ông được nhân dân gọi là “ngọc cốt” và được tôn làm Thần Đức Ngư Ông của dân làng Hiếu.
Nhằm ngày 15/3 Âm lịch hàng năm, người dân tổ chức lễ đền Làng Hiếu gọi là lễ Cầu Ngư. Nghi lễ đặc sắc gồm lễ Phụng Nghinh và lễ Cầu Ngư. Vào hội, ngư dân tổ chức rước kiệu của các vị thần trong đền ra bến, sau đó rước lên thuyền ngự.
Thuyền ngự là những con thuyền bài trí bàn thờ, các kiệu và long ngai bài vị của các vị thần. Những con thuyền được chọn là những thuyền làm ăn may mắn, có thu nhập cao… Trên thuyền được trang trí trống, chiêng, cờ, lọng…đầy đủ. Đi sau là thuyền của ngư dân trong vùng. Sau khi rước bài vị lên thuyền, đoàn thuyền xuất phát từ bến Phụng Nghinh chạy dọc theo cửa sông ra biển, khi đã cách bờ khoảng 2km thì neo thuyền lại để làm lễ Phụng Nghinh và lễ Cầu Ngư trên biển. Các nghi lễ này của ngư dân để cầu mong cho một năm trời yên, biển lặng, người dân ra khơi được an toàn, đánh bắt được nhiều tôm, cá...