Điện Huệ Nam (còn gọi điện Hòn Chén)– di sản Chăm linh thiêng tại Huế nhằm suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế. Đây cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian.
Theo đó, Lễ hội Điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) được tổ chức vào 2 ngày 4-5/4 (nhằm ngày 4-5/3 ÂL) tại Thánh đường (352 Chi Lăng, phường Phú Hậu) và Điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, thành phố Huế). Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế 2022 – Festival bốn mùa.
Đây là lễ hội dân gian truyền thống gắn với di tích Điện Huệ Nam và đình Lễ Hội Điện Huệ Nam là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng Ba và tháng Bảy hàng năm tại làng Hải Cát thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm nay, Trung tâm Festival Huế sẽ phối hợp với Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam tổ chức lễ rước Thánh bằng đường bộ, lần đầu tiên, Lễ hội Điện Huệ Nam đưa vào hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu Hội đồng Tứ phủ trên đường bộ, tái hiện và xây dựng một carnival dân gian độc đáo và có quy mô lớn tại Festival Huế 2022.
Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản thuộc làng Ngọc Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên đỉnh núi có một chỗ trũng xuống, đường kính vài mét, nước mưa thường đọng lại, trông giống cái chén đựng nước trong. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, gắn liền với truyền thuyết vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương và một con rùa nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà Vua.
Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén được tổ chức rất long trọng. Dân làng tổ chức lễ tế tại đình làng Hải Cát. Trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Sau lễ tế là lễ rước Thánh Mẫu về điện Huệ Nam tới đình làng Hải Cát. Đám rước mang bàn thờ Thánh, Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Các thanh niên làng vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác.
Trong lễ hội, đám rước đầy màu sắc rực rỡ hòa trong không khí trang nghiêm trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Sau nghi lễ nghinh thần, dân làng làm lễ Túc Yết theo nghi thức cổ truyền. Hát thờ, lên đồng, hầu bóng diễn ra suốt đêm. Buổi sáng hôm sau là lễ chánh tế tại đình. Sau đó là lễ Tống thần. Buổi chiều các kiệu rước lại long trọng trở về điện Hòn Chén. Đêm kết thúc hội có lễ phóng sinh và thả đèn.
Cũng như nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác, tín ngưỡng tôn giáo thờ Mẫu ở Điện Hòn Chén góp phần hướng con người sống lương thiện, phân biệt rõ cái thiện và cái ác, biết yêu thương con người và giúp đỡ những người nghèo khổ. Lễ hội truyền thống này đã đưa mọi người đến gần nhau hơn, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thánh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống...